Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa công bố danh sách 33 mã số vùng trồng (MSVT) bị thu hồi. Trong đó, thị trường xuất khẩu của các loại trái cây chủ yếu là Trung Quốc. Nguyên nhân thu hồi có hơn 50% là do vi phạm trong kiểm dịch thực vật.
Tại tỉnh Vĩnh Long, có 3 MSVT bị thu hồi do vi phạm kiểm dịch thực vật, mỗi mã số cấp cho 3 loại trái cây là chôm chôm, nhãn, thanh long tại xã Bình Hoà Phước huyện Long Hồ (2 MSVT) và Chánh An, huyện Mang Thít (1 MSV).
Ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết: HTX đã được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục BVTV) cấp mã số vùng trồng như sau: MSVT thứ nhất được cấp vào cuối năm 2015, MSVT thứ hai và thứ ba được cấp vào năm 2018. Trong đó, MSVT thứ ba do một doanh nghiệp tài trợ kinh phí rồi cấp cho họ đứng tên luôn.
“Còn 2 cái MSVT bị thu hồi đợt vùa qua thấy cấp cho 3 loại trái cây là chôm chôm, nhãn và thanh long của xã Bình Hoà Phước. Mà cấp chung như vậy rất khó quản lý. Hai MSVT này bị thu hồi đợt này không phải của HTX chôm chôm Bình Hoà Phước.
Năm qua, do ảnh hưởng của hạn mặn nên sản lượng chôm chôm của các thành viên giảm mạnh khoảng 80%. Từ hồi dịch tới giờ HTX không có xuất khẩu chôm chôm sang Trung Quốc”, ông Nhân cho biết thêm.
Những năm qua, HTX chôm chôm Bình Hoà Phước chủ yếu sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và được cấp MSVT. Hiện HTX có 66 thành viên với 42ha. HTX chuyên sản xuất chôm chôm Java và chôm chôm Thái để xuất khẩu và tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, tiếp theo là thị trường Mỹ và Châu Âu (như Pháp, Hà Lan). Số còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Hiện HTX đang thực hiện đăng ký MSVT trên chôm chôm để xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu và Mỹ.
Khi chưa được cấp MSVT, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ vào thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc và thị trường trong nước giá cả không cao. Từ khi được cấp MSVT, chôm chôm của HTX có giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, quá trình quản lý hồ sơ MSVT còn chưa rõ ràng nên việc theo dõi và truy cập đôi lúc chậm và chưa chính xác. Đối với 2 MSVT do HTX quản lý thì không biết cách định hướng và khai thác nên không phát huy được hiệu quả của của mã số. Đối với MSVT do doanh nghiệp đứng tên thì HTX không tiêu thụ sản phẩm được.
“Đợt rồi, có công ty ở TP. HCM hỏi mua chôm chôm xuất khẩu sang Châu Âu nhưng thấy MSVT đăng ký tên doanh nghiệp khác nên họ không mua”, ông Nguyễn Ngọc Nhân khẳng định.
Do đó, ông Nhân đề nghị cần tập huấn cho HTX cách quản lý MSVT cho hiệu quả hơn. Đồng thời, hướng dẫn cho HTX cách làm hồ sơ cấp lại MSVT kịp thời, như thủ tục cấp lại hoặc tái chứng nhận lại MSVT để HTX có chứng nhận vùng trồng đủ điều kiện tham gia xuất khẩu. Trong đó, đề nghị cấp MSVT mang tên HTX để tạo điều kiện cho HTX thuận lợi trong giao dịch mua bán với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ nông dân rất nhiều chương trình, dự án. Trong đó có thực hiện xây dựng MSVT phục vụ xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương như bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long và khoai lang sang các thị trường Mỹ, Nhật, Hà Lan... và thị trường Trung Quốc.
Đây cũng là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay. Cụ thể thị trường truyền thống dễ tính trước đây như Trung Quốc cũng siết chặt kiểm dịch thực vật và các quy định về tem nhãn truy xuất nguồn gốc, MSVT cũng như mã số cơ sở đóng gói tại Việt Nam.
Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long thực hiện tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế và nộp hồ sơ đề nghị cấp MSVT, cơ sở đóng gói về Bộ NN-PTNT để làm cơ sở cấp mã số theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đồng thời, Cục BVTV đã nhận được văn bản của Vụ An toàn thực phẩm Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) về các nội dung liên quan đến việc xuất khẩu ớt và khoai lang tím từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Qua đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác rà soát các vùng trồng khoai lang tím đảm bảo đáp ứng các tiêu chí từ phía Trung Quốc đưa ra. Cụ thể là các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại trên khoai lang.
Đặc biệt là 10 loài sinh vật gây hại mà Trung Quốc quan tâm hồ sơ ghi chép quá trình canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng, danh mục thuốc BVTV sử dụng đảm báo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói và nhằm đáp ứng hồ sơ kỹ thuật theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long cho biết: Việc cấp MSVT và truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng.
Để đủ điều kiện được cấp MSVT, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác …
Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu, tăng uy tín hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân.
Quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, thực hiện quy định về kiểm dịch thực vật của nhiều nước nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính, Bộ đã giao Cục BVTV chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cácc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giám sát, quản lý và cấp mã số cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt yêu cầu. Đến nay, đã cấp được hơn 2.000 MSVT và trên 1.700 mã số cơ sở đóng gói cho nhiều loại cây trồng khác nhau.
Việc quản lý các MSVT, cơ sở đóng gói được cấp mã số hoặc đề nghị cấp mã số của các địa phương trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó một số địa phương đã có sự vào cuộc của UBND cấp tỉnh và Sở NN-PTNT. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, vẫn còn nhận được thông báo không tuân thủ của các nước nhập khẩu liên quan đến MSVT.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng hoá nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, thậm chí có thể mất thị trường xuất khẩu. Do đó, Bộ NN-PTNT đã có công văn yêu cầu các Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thục hiện nghiêm túc nhiều nội dung về cấp và quản lý MSVT.
Trong đó, Bộ NN-PTNT đề nghị Sở NN-PTNT giao Chi cục Trồng trọt và BVTV hoặc Chi cục BVTV tỉnh thực hiện tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế và nộp hồ sơ đề nghị cấp MSVT, cơ sở đóng gói về Bộ NN-PTNT (Cục BVTV) để làm cơ sở cấp mã số theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong trường hợp cần thiết, Cục BVTV sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát ngẫu nhiên một số vùng trồng, cơ sở đóng gói trước khi cấp mã số.
MINH ĐẢM/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;