Học tập đạo đức HCM

Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu COVID-19

Thứ hai - 11/05/2020 20:48
Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những công cụ trọng tâm hỗ trợ mạnh mẽ đa mục tiêu và được cộng đồng DN chờ đợi nhiều nhất; bởi vậy, cần sớm được thông qua, triển khai hiệu quả trên thực tế, để tạo cơ hội bứt phá mới cho kinh tế Việt Nam thời hậu COVID-19…

Ở nhiều nước trên thế giới, trong bối cảnh bất thường, chính phủ thường tích cực sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như công cụ hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vượt qua khó khăn, phát triển theo mục tiêu quốc gia. Chẳng hạn, Hàn Quốc áp dụng mức thuế suất 10% đối với 200 triệu Won chịu thuế đầu tiên, 20% với phần thu nhập chịu thuế từ 200 triệu Won đến 20 tỷ Won… Tại Trung Quốc từ năm 2015 đến nay, các doanh nghiệp (DN) có thu nhập chịu thuế thấp được áp dụng thuế suất 10% thay vì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, DN nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Thái Lan từ  ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2016 thực hiện miễn thuế hoàn toàn cho DN nhỏ; từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017 thực hiện miễn thuế cho DN có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Bath trở xuống và áp dung thuế suất 10% cho DN có thu nhập chịu thuế suất lớn hơn 300.000 Bath.

Ở Việt Nam, bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều hệ lụy nặng nề cho các DNNVV khiến nhu cầu ưu đãi thuế thu nhập cho các DNNVV đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo dự báo mới nhất của IMF, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ là -3% GDP, trong đó, tăng trưởng GDP ASEAN sẽ là -0,6%; Mỹ -5,9%, Anh -6,5% và khu vực đồng tiền chung châu Âu -7,5%. Các nền kinh tế đang phát triển sẽ sụt giảm 2% GDP thay vì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục 4,6%/năm trong suốt 60 năm trước đây. APEC thì khẳng định 21 nền kinh tế thành viên sẽ giảm -2,7% GDP năm 2020…

Kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tổn thất, khó khăn, không chỉ giảm lượng du khách quốc tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùngsố vốn FDI tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần, mà còn giảm về vốn đăng ký và số lao động của các DN đăng ký mới, số DN quay trở lại hoạt động và số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới; tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 DN đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% về số DN, giảm 17,9% về vốn đăng ký, giảm 29,7% về số lao động và giảm 5,5% về vốn bình quân/doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước). Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 42% số DN được khảo sát gặp khó khăn trong kinh doanh quý I/2020; và 25,9% số DN dự báo kinh doanh trong quý II/2020 sẽ khó khăn hơn quý I/2020. Theo kết quả khảo sát nhanh gần 130.000 DN do Bộ KH &ĐT tiến hành cuối tháng 4/2020, khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019; trên 45% số DN đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhiều DN buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động; trong 4 tháng đầu năm 2020, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019… Theo kết quả khảo sát nhanh của VCCI tiến hành cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua về thực trạng của cộng đồng DN, thì có tới 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III; 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.

Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ DN và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch, như chỉ đạo xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ về tiền tệ (khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (trên 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng) và miễn giảm khoảng 20.000 tỷ đồng các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân. Trọng tâm và lộ trình các gói hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ tín dụng; tập trung thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp…

Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa đề xuất Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020 tới. Theo đó, áp dụng thời gian thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho DNNVV ngay từ ngày 1/7/2020, thay vì ngày 01/01/2021 như đề xuất trước đó. Dự kiến thuế suất với DN nhỏ và siêu nhỏ từ 15-17%, tùy thuộc vào quy mô doanh thu và số lượng lao động của DN. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm còn 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Còn thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người… Riêng những DN được thành lập mới từ hộ kinh doanh sẽ được miễn 2 năm thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi có lãi.

Nếu dự thảo Nghị quyết trên được thông qua, sẽ có khoảng 700.000 DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước, được hưởng lợi. Đồng thời, thu nhập ngân sách Nhà nước sẽ giảm khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm, giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 12.600 tỷ đồng mỗi năm.

Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành về việc giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN… Tổng số phí, lệ phí cắt giảm trong thời gian còn lại của năm 2020 khoảng 500 tỷ đồng.

Trước đó, để hỗ trợ các DNNVV, trong đó có cả DN siêu nhỏ, tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016, Chính phủ đã quy định miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu đối với DNNVV chuyển từ hộ kinh doanh (theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV) và miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến 31/12) đối với tổ chức thành lập mới; Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh …

Những điều chỉnh ưu đãi tài chính trên là phù hợp tinh thần “doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức phổ thông” được khẳng định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Việc triển khai sớm quy định này trong thực tế hậu dịch COVID-19 là cần thiết nhằm hỗ trợ DNNVV có thêm nguồn lực tài chính bổ sung vào nguồn vốn để tiếp tục phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh; phù hợp với xu hướng phát triển và các cam kết, thông lệ quốc tế; qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và tăng việc làm cho người lao động…

Hơn nữa, chính sách thuế mới này còn tạo động lực mới tích cực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DN và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, với các kênh huy động vốn chính thức và tham gia hệ thống phân phối, chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo điều kiện để phát triển và bảo vệ thương hiệu, tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN, tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt được khoảng 50%, năm 2025 được 55%, năm 2030 khoảng 60%-65%....

Đại dịch COVID-19 là thảm họa và thách thức chưa từng có cho nhân loại và đòi hỏi toàn thế giới, cũng như mỗi quốc gia phải có những hành động phản ứng chính sách mới, cần thiết, quyết liệt và hiệu quả, nhằm cả 2 mục tiêu: Kiểm soát dịch bệnh và duy trì động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội./.

 

TS. Nguyễn Minh Phong

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập343
  • Hôm nay53,159
  • Tháng hiện tại712,486
  • Tổng lượt truy cập93,090,150
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây