Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Từ đấu tháng đến nay nhiều loại nông sản chủ lực của Việt Nam sang EU sau khi có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Bộ trưởng đánh giá như thế nào về cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU sau EVFTA?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Ngay trong quá trình đàm phán ký kết EVFTA, ngành nông nghiệp được xác định có rất nhiều lợi thế với 3 trụ cột chính. Một là, có thể đẩy mạnh thương mại xuất khẩu nông sản ở một số nhóm mặt hàng đang có lợi thế như tôm, cà phê, trái cây, gạo...
Hai là, thông qua việc thực thi hiệp định, chúng ta có thể tiếp thu các công nghệ chế biến hiện đại của EU thông qua đầu tư FDI.
Ba là, chúng ta có thể nâng cao năng lực quản trị thông qua các chương trình hợp tác đào tạo quản lý, tập huấn; nâng cao kỹ năng phát triển thị trường để cùng nhau phát triển.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, đã được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.
Với 3 lợi thế đó, ngay từ đầu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công Thương, các doanh nghiệp và nông dân chuẩn bị tích cực các điều kiện trước khi hiệp định có hiệu lực.
Theo đó, ngành nông nghiệp tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm.
Chính vì vậy, ngay khi hiệp định có hiệu lực, chúng ta đã đón sóng cơ hội này, tập trung đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu để tận dụng được ưu đãi về hạn ngạch thuế quan. Theo thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện hiệp định EVFTA, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tăng 15-17% so với tháng 7/2020.
Xin Bộ trưởng cho biết, những mặt hàng nào đang có lợi thế xuất khẩu sang EU hiện nay?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Ngay trong hôm nay 16/9, Bộ NNPTNT phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê và chanh leo sang EU theo hiệp định EVFTA, ngày 17/9 tại Bến Tre là lễ xuất khẩu trái cây sang thị trường này sau khi được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Trước đó, đã có lễ xuất khẩu tôm sang EU theo EVFTA tại Ninh Thuận. Tôi đánh giá, gạo, tôm, cà phê, trái cây... đang là những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam tại thị trường EU.
Cụ thể, với mặt hàng cà phê, chúng ta hoàn toàn có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU sau khi thuế suất giảm từ 15% xuống 0%. Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020.
EU cũng là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).
Gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Trong gần 1 tháng triển khai EVFTA, những tác động tích cực đã lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu, cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200USD/tấn.
Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ.
Đặt biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.
Cơ hội là rất lớn, tuy nhiên những yêu cầu từ thị trường EU cũng rất khắt khe. Vậy, ngành nông nghiệp phải làm gì để đáp ứng?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác.
Chúng tôi xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác. Những nhóm ngành hàng này đã tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại để hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa HTX, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.
Đặc biệt, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm "tín chỉ" chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.
Rõ ràng trong chuỗi sản xuất, doanh nghiệp là hạt nhân quan trọng. Không chỉ đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, mà doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức chế biến, tổ chức thương mại. Chính vì vậy, chúng ta phải chăm lo cho doanh nghiệp, để mọi thành phần doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dân tộc từng bước lớn mạnh đảm bảo liên kết với bà con nông dân, thông qua HTX để hình thành chuỗi sản xuất.
Tổ chức nền nông nghiệp trên cơ sở còn nhiều hộ vẫn hiện đại. Đây là nguyên tắc, yêu cầu đảm bảo thắng lợi trong hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nông sản.
Xin cảm ơn bộ trưởng đã chia sẻ thông tin!
Đỗ Hương (thực hiện)/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;