Học tập đạo đức HCM

Nấm hương Mẫu Sơn: Ước mơ vươn xa từ đỉnh cao ngàn thước

Thứ năm - 11/02/2021 09:43
Những cây nấm hương Mẫu Sơn to như chén trà, trồng ở độ cao trên 1.000m đã chinh phục được khách hàng trong nước và đang hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Khu trồng nấm hương đặc sản trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Khu trồng nấm hương đặc sản trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Nấm hương, hay còn gọi là nấm đông cô trước đây mọc tự nhiên rất nhiều ở vùng núi Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đặc điểm của nấm hương Mẫu Sơn là kích thước lớn, trung bình to bằng chén uống trà, cá biệt có những cây to như bát ăn cơm. Loại nấm có mũ dày, thịt trắng và mang mùi thơm đặc trưng.

Người dân địa phương, đa số là người Dao ngoài hái ngoài tự nhiên còn biết cách dùng gỗ mục đặt ở bìa rừng, khe suối vào thời điểm Đông chí để lấy nấm ăn. Tuy nhiên, do phát triển tự do nên sản lượng không cao.

Trước đây, giống nấm hương Mẫu Sơn từng được phân lập, đem đi trồng thử ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng không thành công. Chỉ ở Mẫu Sơn, nơi có độ ẩm không quá cao, không qua thấp mới phù hợp cho loại nấm này phát triển.

Đặc sản trên đỉnh Mẫu Sơn

Để tận dụng sự ưu đãi của thiên nhiên, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến, xây dựng các trang trại quy mô, vừa tăng được sản lượng vừa kiểm soát được chất lượng cho nấm hương trên đỉnh Mẫu Sơn. Trong số đó có Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp Đông Bắc (DOBACO), với 17 nhà vòm, mỗi lần thu hoạch cả chục tấn nấm tươi.

Theo anh Lý Quang Sinh, cán bộ kỹ thuật của công ty, các nhà vòm trồng nấm hương của DOBACO có chiều dài từ 20-40 m, được bố trí trên vùng sườn núi có độ cao khoảng hơn 1.100m so với mực nước biển. Khi trồng, tùy thuộc vào lượng giá thể mỗi lần gieo mà có sản lượng tương ứng, nhưng sản lượng trung bình của công ty vào khoảng 6 tấn nấm tươi cho mỗi lần thu hoạch.

Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sau khi đặt giá thể lên giàn khoảng 1 tuần thì nấm sẽ nở, 10 ngày sau đó là quá trình kích nấm phát triển và thu hoạch. Thu hoạch xong, giá thể sẽ được để nghỉ khoảng 10-15 ngày trước khi tiếp tục kích nở, mỗi giá thể có thể cho thu hoạch được 4 lần trước khi bỏ đi.

Một đặc điểm của nấm hương Mẫu Sơn đó là rất ưa sạch, chỉ cần môi trường không đảm bảo nấm sẽ hỏng, giảm chất lượng, sản lượng. Do đó, trước mỗi được trồng mới, các nhà vòm phải được làm sạch, vệ sinh, rắc vôi để đảm bảo sạch bệnh, nước tưới cho nấm cũng là nước giếng khoan từ trong lòng núi.

Độ cao hơn 1.100m của đỉnh Mẫu Sơn có điều kiện nhiệt độ rất thích hợp cho nấm hương, đó là từ 12-18 độ C. Chỉ cần thấp xuống vài trăm mét thì thời tiết thường xuyên bị nóng quá, chỉ trồng được nấm sò hoặc mộc nhĩ.

Những cây nấm hương Mẫu Sơn vừa đến độ thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Những cây nấm hương Mẫu Sơn vừa đến độ thu hoạch. Ảnh: Tùng Đinh.

Mặc dù ở vị trí thuận lợi nhưng không phải lúc nào thời tiết trên đỉnh Mẫu Sơn cũng phù hợp hoàn toàn cho nấm hương phát triển. Theo anh Sinh, khoảng thời gian thuận lợi nhất cho nấm kéo dài từ tháng 9 năm này đến tháng 4 năm sau. Ở những tháng còn lại nhiệt độ thường cao hơn 18 độ C nên phải có biện pháp chống nóng cho nấm.

Theo đó, ngoài việc tưới tăng cường, các nhà vòm còn phải xử lý phần mái để cách nhiệt cho không gian bên dưới. Thông thường, các trang trại căng lưới đen nhiều lớp trên mái vòm. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện loại bạt mới có lớp trong màu đen, lớp ngoài màu trắng giúp giảm được 5-7 độ C và DOBACO đang thử nghiệm loại bạt này cho nhà vòm của mình.

Ngoài ra, trong các mùa đông gần đây, việc nhiệt độ xuống âm, băng giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trồng nấm.

"Trong những đợt rét đậm, rét hại nấm sẽ chậm phát triển, mũ bé hơn. Có những khi nhiệt độ xuống âm, nước vừa tưới lên đã tạo thành một lớp băng trên mũ nấm. Khi đó phải bật đèn sưởi cho nấm 24/24 và hạn chế tưới để giúp nấm có thể phát triển bình thường", anh Lý Quang Sinh nói.

Theo anh Sinh, trồng nấm cũng không được quá ham kích thước mà phải thu khi đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Đó là lúc cây nấm vừa tách vành, mũ mấm vẫn có hình tròn, nếu để lâu hơn mũ nấm sẽ xòe ra, mỏng đi và khô hơn.

Giấc mơ vươn xa

Chị Hoàng Thị Nhị, Giám đốc kinh doanh của DOBACO cho biết, công ty đang trong giai đoạn 1 đầu tư với tổng diện tích 4,6 ha, trong đó 4,1 ha trồng nấm và 500 m2 làm nhà xưởng, văn phòng. Trong giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu từ tháng 3/2021, công ty sẽ mở rộng thêm 3 ha trồng nấm nữa, quỹ đất này đều thuê của người dân địa phương trong thời hạn 10 năm.

Với chất lượng và hương vị đặc biệt của mình, hiện nay nấm hương Mẫu Sơn tưới do DOBACO sản xuất đã chinh phục được đầu bếp của nhiều khách sạn 5 sao của Việt Nam như Marriott Hà Nội, Marriott Phú Quốc, Daewoo... Để làm được điều đó, ngoài cảm quan người dùng, nấm đã được đem đi phân tích, kiểm định ở các cơ quan chức năng tại Lạng Sơn cũng như Hà Nội.

Ngoài ra, lượng nấm khô được tiêu thụ cũng rất nhiều, chủ yếu bán cho các đại lý ở các tỉnh thành phía Bắc. "Trong mùa Tết, nhu cầu nấm hương tăng rất cao. Có những ngày cao điểm chúng tôi bán được đến 2 tấn nấm tươi và 6 tấn nấm khô. Chưa kể còn bán được hàng khi tham gia các hội chợ nông sản, sản phẩm OCOP của Lạng Sơn", chị Nhị chia sẻ thêm về khả năng tiêu thụ của nấm hương Mẫu Sơn.

Chị Triệu Thị Bốn, người dân tộc Dao ở khu vực núi Mẫu Sơn đang làm công nhân trong khu trồng nấm của Công ty DOBACO. Ảnh: Tùng Đinh.

Chị Triệu Thị Bốn, người dân tộc Dao ở khu vực núi Mẫu Sơn đang làm công nhân trong khu trồng nấm của Công ty DOBACO. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong tương lai, mong muốn của doanh nghiệp này là đưa nấm hương Mẫu Sơn thành sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là đi các thị trường có thói quen sử dụng nhiều như Đài Loan, Hàn Quốc và sau đó là một số nước châu Âu như Đức, Pháp.

Tuy nhiên, để đạt được nguyện vọng này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, cần có thêm sự vào cuộc của chính quyền và các ban ngành địa phương. Ví dụ như, các đơn vị chức năng có thể hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, làm hồ sơ sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao. Còn chính quyền có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, về hạ tầng, đất đai, cơ chế.

Chị Nhị cho biết, hiện nay chính quyền và Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn đã có những hỗ trợ nhất định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên muốn xuất khẩu được cần nhiều hơn thế, nhất là công tác xúc tiến thương mại, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ các đối tác nước ngoài để đàm phán kinh doanh.

"Muốn xuất khẩu được phải có lượng sản phẩm đủ nhiều, đồng nghĩa với việc phải có đất sản xuất. Nếu địa phương có thể lập dự án, quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ về hạ tầng thì doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền đầu tư, đưa nấm hương Mẫu Sơn thành thuơng hiệu mạnh của Lạng Sơn", Giám đốc kinh doanh của DOBACO khẳng định.

Bên cạnh đó, đơn vị còn mong muốn được hỗ trợ để có thể lập được khu nuôi trồng giá thể độc lập, giúp tự chủ về giống nấm. Từ đó, bán giá thể đã cấy giống cho bà con ở Mẫu Sơn trồng, kiểm soát quy trình và bao tiêu sản phẩm.

Chiến lược này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường được sản lượng mà còn giúp giải quyết sinh kế cho đồng bào dân tộc khu vực miền núi khó khăn này.

Trước mắt, vào thời gian cao điểm thu hoạch, DOBACO có khi thuê đến 40 - 50 nhân công thời vụ là người địa phương. Còn với các công nhân chính thức như chị Triệu Thị Bốn thì đây là công việc ổn định hơn rất nhiều so với làm nông.

"Trước đây làm nông hôm nào nắng quá cũng nghỉ, mưa quá cũng nghỉ, tiền khi có khi không. Từ khi đi làm nấm, ngày nào cũng có việc, thu nhập ổn định mà công việc không vất vả như làm nông", nữ công nhân người Dao chia sẻ.

https://nongnghiep.vn/nam-huong-mau-son-uoc-mo-vuon-xa-tu-dinh-cao-ngan-thuoc-d282043.html

Theo Tùng Đinh - Bảo Thắng - Văn Việt/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập220
  • Hôm nay43,925
  • Tháng hiện tại790,380
  • Tổng lượt truy cập91,964,109
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây