Lâu nay ở tỉnh Hà Tĩnh người dân chủ yếu chăn nuôi heo rừng ở các vùng miền núi, còn vùng cửa biển mô hình này vẫn còn mới mẻ. Tuy nhiên, mới đây ông Trương Tiến Lương (57 tuổi, ở thôn Liên Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà) đã mạnh dạn đưa heo rừng về nuôi ở vùng cửa biển và thành công, mở ra một hướng đầu tư phát triển kinh tế mới cho người dân ở địa phương.
Thạch Hải là xã nằm ở vùng bãi ngang cửa biển huyện Thạch Hà, đây là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ dự án khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, nhận thấy ở vùng đất ở Bàu Soi (xóm Liên Hải, xã Thạch Hải) có điều kiện thuận lợi nhưng lại đang bị bỏ hoang lãng phí, ông Trương Tiến Lương, một người dân địa phương đã bàn tính với vợ con, đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn nuôi - trồng trọt.
Ông cùng một số người dân thành lập hợp tác xã (HTX) Liên Hợp tại thôn Liên Hải, đồng thời xin xã Thạch Hải cho mượn, cải tạo lại 3,8ha đất ở Bàu Soi làm trang trại.
Ban đầu, trang trại được ông đưa vào trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả trên cát như cam, bưởi, ổi… Sau khi thấy hiệu quả, ông Lương tiếp tục huy động vốn để phát triển chăn nuôi trên cát.
Với thức ăn cho chăn nuôi chủ yếu dùng các sản phẩm phụ nông nghiệp sạch là cám, gạo, vỏ đậu phộng, ngô, rau…, nên người tiêu dùng rất ưa chuộng, tin tưởng sản phẩm từ trang trại của HTX. Khi trang trại bắt đầu ăn nên làm ra, các thành viên HTX phát hiện vùng đất Bàu Soi có nhiều tán rừng cây tràm, cộc cây chổi trện… có độ che phủ lớn cả mùa mưa lẫn mùa nắng, thích hợp chăn nuôi đàn heo rừng.
Họ cải tạo, khoanh rào khoảng 1ha trong diện tích được cấp để đưa heo rừng từ miền núi về nuôi thả rông thử nghiệm. Theo ông Lương, 20 con heo rừng giống thả nuôi bán hoang dã lúc mới đưa về, do không hợp thức ăn nên nhiều lần bỏ ăn...
Ngoài Bắc, người nuôi chủ yếu cho heo ăn cám mạch, nhưng về đây lại cho ăn các loại thức ăn là sản phẩm phụ nông nghiệp như bã đậu, vỏ đậu phộng, rau củ quả, cám, ngô, gạo… và thức ăn tự nhiên tại chỗ. Tuy nhiên, sau một thời gian, đàn heo rừng đã thích ứng, sinh trưởng tốt, tăng đàn nhanh. Với ưu điểm kháng bệnh cao, ăn tạp, dễ nuôi, đẻ nhiều và nhờ thả rông nên thịt heo rừng càng săn, ít mỡ và rất ngon.
“Để nuôi 1 con heo rừng cho đến khi xuất chuồng phải mất thời gian khoảng 1 năm. Hiện nay, trang trại có hơn 100 con, trong đó có 50 con với trọng lượng đã đạt mức bình quân 35-40kg/con, Tết Nguyên đán sẽ đạt 50-60kg/con. Dự tính đến cuối năm 2017, nếu thuận lợi, đàn heo này sẽ có tổng trọng lượng khoảng 6 tấn và xuất bán khoảng 3 tấn, thu về lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng…”, ông Lương chia sẻ.
Việc đưa giống heo rừng về nuôi ở vùng đất cát bỏ hoang ven cửa biển là mới mẻ và không ít mạo hiểm, tuy nhiên, ông Lương đã thành công. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, việc nuôi heo rừng còn giúp bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã đang ngày càng bị cạn kiệt, cung cấp nguồn thực phẩm sạch...
“Đến nay, mặc dù lãi ròng chưa đáng kể, nhưng việc quay vòng vốn tái sản xuất đã bước đầu hiệu quả. Thời gian tới, nông trại sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất thêm một số giống cây trồng, vật nuôi khác, đặt tiêu chí sạch lên hàng đầu. HTX cũng mong muốn được địa phương quan tâm, có chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình ra các vùng lân cận khác”, ông Lương cho biết.
Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho biết, mô hình nuôi đàn heo rừng của ông Lương bước đầu đã thành công, có hiệu quả kinh tế cao. Trước mắt, trên khu vực núi Nam Giới một số hộ dân có ý định sẽ học tập mô hình này. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, lâu dài, bền vững, góp phần cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng cửa biển Thạch Hải và các địa phương lân cận.
Theo Dương Đức Hải/sggp.org.vn