Học tập đạo đức HCM

Thoát nghèo nhờ hoa cúc

Thứ năm - 25/09/2014 06:06
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, với đức tính kiên trì, chịu khó không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các địa phương khác và bà con xung quanh, gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ, chị Phan Thị Duyên (thôn Xuân Lộc – xã Hải Chánh – huyện Hải Lăng) đã thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu bằng nghề trồng hoa cúc trên chính mảnh đất của gia đình.

Theo chân anh Trần Thiên Văn – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) huyện Hải Lăng, chúng tôi đến thăm mô hình trồng hoa cúc của gia đình anh Nguyễn Văn Sỹ. Đứng giữa những luống hoa cúc vàng đang nở rộ, xung quanh đó là những luống hoa khác với độ cao thấp khác nhau. Có những luống hoa giống được che nilon đen, nhiều luống đang được làm đất mới thấy một quá trình lao động khá công phu và kiên trì của gia đình anh. Giữa buổi sáng, ánh mặt trời càng làm cho những luống hoa thêm rực rỡ.


Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Sỹ vui vẻ cho biết, trước đây anh làm công nhân tại Xí nghiệp gạch Tuynen Hải Chánh, tuy nhiên do công việc thất thường, thu nhập không đủ lo cho gia đình. Cơ duyên đến với anh trong một chuyến vào thăm bạn tại Huế, thấy mô hình trồng hoa cúc của nhà bạn phát triển rất tốt, mang lại thu nhập ổn định. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, con cái được học hành đến nơi đến chốn, nhận thấy đây là mô hình phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình. Về nhà anh đã bàn với vợ xin nghỉ việc ở Xí nghiệp, khăn gói vào tỉnh Thừa Thiên Huế học hỏi kinh nghiệm trồng hoa cúc.

 

Anh Nguyễn Văn Sỹ chăm sóc vườn hoa cúc.


Nhờ đức tính cần cù chịu khó học hỏi, đến nay anh đã có 2 vườn trồng hoa cúc với diện tích hơn 200m2/vườn, được thiết kế lắp đặt đầy đủ hệ thống ống nước, máy bơm, đường điện, giàn, mái che.


Đưa chúng tôi đi thăm một vòng vườn hoa cúc xanh tốt, anh Sỹ tâm sự: “Tôi đã phải đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa. Sau đó tự áp dụng, đúc rút kinh nghiệm riêng cho mình. Vì vậy, sản lượng và chất lượng hoa nhà tôi luôn đạt yêu cầu, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng”.


Cây giống hoa cúc được đưa từ Đà Lạt về với giá 200 đồng/cây, cây giống được ươm khoảng 10 - 15 ngày cho bén rễ thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của địa phương sao đó được đưa ra trồng với mật độ 25 cây/m2. Hiện nay, mỗi tháng anh trồng hơn 4.000 cây hoa cúc, theo phương pháp trồng gối vụ, cứ 10 – 15 ngày là trồng một loạt từ 2 - 4 luống với 400 – 500 cây/luống. Cả khu vườn anh cứ gối, đan xen để có đất có thời gian nghỉ, tránh sâu bệnh. Hoa được trồng gối vụ và thu theo dạng cuốn chiếu nên tháng nào cũng có hoa để bán, đồng thời tận dụng được hết diện tích vườn vừa hạn chế cỏ dại và sâu bệnh.

 

Gia đình anh thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng mỗi tháng từ vườn hoa cúc.


Vừa đi qua các luống hoa, anh Sỹ vừa chỉ dẫn cho chúng tôi từ cách ươm giống, trồng thành luống. Mỗi luống trồng 5 hàng, mỗi hàng 100 cây. Mỗi cây đều có cọc tre để giữ cây không bị đổ, bên trên phủ lưới ni lon che mưa nắng… Theo anh Sỹ, cây hoa cúc nếu được chăm sóc tốt thì cây sẽ lên cao, to, cho nhiều bông, tuy nhiên theo kinh nghiệm của anh Sỹ thì nên tỉa bớt bông lẻ để cho cây tập trung vào 2 - 3 bông hoa/cây.


Anh Sỹ cho biết, trong năm có 3 đợt cao điểm tiêu thụ nhiều hoa nhất là Tết Nguyên đán, rằm tháng 4 và rằm tháng 7. Đón đầu đợt Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, anh đã xuống giống trồng 15.000 cây hoa cúc nhưng đến cận Tết gia đình anh đã bán hết sạch, còn chỉ riêng trong đợt rằm tháng 7 vừa rồi gia đình anh đã xuất bán trên 1.500 cây hoa cúc. Trong lúc dẫn chúng tôi thăm vườn hoa, anh liên tục phải trả lời điện thoại khách hàng quen gọi đến đặt hàng. Anh Sỹ cho biết: Hầu như ngày nào vườn hoa của anh cũng có hoa bán, nhưng nhiều nhất vẫn là ngày rằm, ngày mùng một hay các ngày lễ. Hiện nay mỗi tháng anh xuất bán bình quân 3.000 cây hoa với giá 5.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí như tiền giống, điện, chăm sóc mỗi tháng từ cây hoa cúc đã mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng.


Theo anh Sỹ, trên diện tích 1.500m2 vườn nhà, trước đây nếu trồng sắn thì chỉ thu được khoảng 2,5 - 3,5 triệu đồng/năm, so với hiện nay khi trồng hoa cúc thì chỉ cần 1 tháng với 2 luống hoa là đã thu được chừng đó tiền mà lại không mất nhiều công chăm sóc.


Đặc biệt, trồng hoa cúc chỉ tốn công giai đoạn làm đất, trồng và làm cỏ. Còn sau khi hoa đã bén rễ và phát triển thì chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc hoa. Tuy nhiên, muốn trồng hoa hiệu quả thì phải nắm vững các quy trình kỹ thuật, đặc biệt công đoạn làm đất phải thật kỹ, vì hoa cúc là loại cây ưa đất thịt nhẹ, tơi xốp và phải có hệ thống tưới tiêu tốt vì nếu bị ngập úng cúc sẽ bị chết. Theo kinh nghiệm của anh, trong quá trình làm đất thì không nên sử dụng phân vô cơ mà nên sử dụng phân hữu cơ vi sinh với lượng từ 15 – 20 kg/1.000 cây để tăng độ tơi xốp cho đất. Khi trồng thì phải chọn những cây giống xanh tốt, khỏe mạnh và có bộ dễ phát triển. Trồng vào những ngày râm mát hoặc trồng vào buổi chiều mát, tưới nhẹ luống đất đã được chuẩn bị sau đó mới trồng. Khi trồng xong lấy tay ấn chặt gốc. Dùng rơm mềm che phủ gốc và dùng bình ô-doa hoặc vòi phun nhẹ tưới đẫm luống. Mùn rơm vừa có tác dụng giữ ẩm cho cây vừa có tác dụng hạn chế sự đóng váng lớp đất mặt, làm cho nước tưới có thể xuống rễ một cách dễ dàng. Sau khi trồng thì định kỳ 10 ngày 1 lần sử sụng phân bón lá và thuốc trừ nấm phun đều cho cây. Tưới nước cho hoa phải nhẹ nhàng và đều tay, đảm bảo đủ độ ẩm nhưng không làm gãy hoa và lá. Người trồng hoa phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, chú trọng phòng trừ sâu bệnh. Mùa hè, phải có lưới che chắn mưa nắng, mùa đông thời gian đầu phải thắp điện cho cây phát triển tốt.


Theo ông Trần Thiên Văn – Trạm trưởng Trạm KNKN huyện Hải Lăng, nguồn đất xã Hải Chánh thuộc vùng đất chua phèn nên khi làm đất để trồng hoa, bà con nông dân cần phải cùng cấp đủ lượng vôi để giảm độ chua phèn của đất. Trong quá trình trồng thì không nên sử dụng phân đạm, lân, kali trực tiếp mà nên sử dụng các loại phân bón qua lá để cung cấp cho cây các loại khoáng vi lượng, giúp cây phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh. Bên cạnh đó, trong quá trình trồng cây hoa cúc thường bị nhiễm nấm bệnh làm cây bị lở cổ rễ, đốm đen, đốm vàng trên lá, làm cây bị rụng lá và chết. Để chống nấm cho hoa thì trong quá trình trồng bà con nên tự ủ phân hữu cơ vi sinh bằng các loại men vi sinh có bổ sung nấm Tricodema để tạo ra nguồn nấm đối kháng có lợi. Ngoài ra, khi tủ gốc bằng phân hữu cơ và rơm thì không nên tủ sát gốc mà chỉ nên tủ xung quanh để giữ độ ẩm.


Anh Sỹ chia sẽ, nhiều người sau khi lấy hoa của anh đã nhận xét là hoa của anh lâu tàn hơn so với lấy ở các nơi khác, tuy nhiên hiện nay vườn hoa của anh chỉ mới cung cấp đủ cho các xã lân cận trong vùng. Trong thời gian tới anh dự định sẽ mở rộng diện tích trồng hoa cúc ra toàn bộ diện tích 1.500m2 vườn của mình. Đồng thời sẽ xây dựng mô hình khép kín gồm: Trồng 5 sào cỏ cùng với nuôi 3 con bò nái, xây chuồng nuôi lợn thịt, phân của bò và lợn sẽ được ủ làm phân hữu cơ dùng vào việc nuôi giun quế và trồng hoa. Ngoài ra, bên cạnh trồng chủ lực giống hoa cúc, đón đầu dịp Tết Nguyên đán năm 2015, anh sẽ đưa vào trồng một số giống hoa mới như hoa lily, hoa đồng tiền, hoa loa kèn… để đa dạng đối tượng cây trồng, phục vụ nhu cầu hoa Tết, tăng thu nhập cho gia đình.

 
Theo Khuyenongvietnam.gov.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay26,916
  • Tháng hiện tại220,009
  • Tổng lượt truy cập92,597,673
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây