Nằm cách trục đường 254 chỉ chừng hơn 3km, xã Tân Lập được biết đến là xã khó khăn vào loại nhất nhì của huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Dù được Đảng bộ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn rất khó khăn do đất nông nghiệp ít, đất rừng lại chủ yếu là rừng phòng hộ.
Ông Ma Thanh Lê, Chủ tịch UBND xã Tân Lập luôn đau đáu trước những khó khăn của người dân địa phương.
Ông Ma Thanh Lê, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, toàn xã có 8 thôn, 336 hộ thì có đến 109 hộ nghèo. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, tuy nhiên hiệu quả kinh tế đạt được vẫn còn rất thấp.
“Một phần do xuất phát điểm thấp, diện tích rừng sản xuất ít, chủ yếu là rừng phòng hộ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đã được thực hiện tuy nhiên tốc độ bứt phá không có gì. Xã cũng là nơi thực hiện một số dự án như cải tạo cây hồng không hạt, trồng cây mận sớm, trồng chè Shan Tuyết... tuy nhiên còn nhiều hạn chế khi chủ yếu trồng phân tán, nhỏ lẻ, đồi núi lại có độ dốc cao”, ông Lê nói.
Theo chân chị Đinh Thị Tố Chi, công chức nông - lâm của xã Tân Lập, PV Dân Việt đến thăm mô hình cải tạo cây hồng không hạt của một số hộ dân tại thôn Nà Chắc. Những cây hồng sau thời gian sinh trưởng, phát triển có dấu hiệu thoái hóa đã được cải tạo, tuy nhiên diện tích cũng rất khiêm tốn.
Cây hồng không hạt trồng mới hoặc được cải tạo đều đang sinh trưởng tốt, tuy nhiên diện tích còn rất khiêm tốn. Việc thoát 135 với xã Tân Lập vẫn còn là câu chuyện dài hơi.
Ông Triệu Văn Huấn, Trưởng thôn Nà Chắc cho biết, hiện nay, diện tích hồng không hạt trồng tập trung nhất là của hộ ông Hà Văn Lô, song cũng chỉ được khoảng 1.000m2, còn lại là trồng phân tán. Toàn thôn có khoảng 10 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang giống hồng không hạt hoặc cải tạo giống hồng này. Nhìn chung cây hồng trồng mới hoặc cải tạo tại thôn sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên số lượng không nhiều, cũng chỉ vài chục đến gần trăm cây.
Từ trung tâm xã Tân Lập phóng tầm mắt đâu đâu cũng núi, cũng rừng, ngút ngát một màu xanh thẫm, độ che phủ rừng nơi đây rất cao song cái nghèo cũng chừng như tỉ lệ thuận với điều đó. Dưới những tán rừng xanh thẫm ấy là những bản người Dao, người Mông đặc biệt khó khăn. Không khó để kể ra những thôn có đến 100% là hộ nghèo như Phiêng Đén rồi những thôn khó khăn như Nà Lịn, Nà Sắm…
Thôn Phiêng Đén đèo cao hun hút lên tận đỉnh trời, đường không, điện nhiều hộ cũng không có dùng, chừng như đồng bào nơi đây đã quá quen với cái nghèo, cứ lặng lẽ, lay lắt mà sống. Chủ tịch UBND xã Tân Lập Ma Thanh Lê cho biết, dù đã nỗ lực hết mình, đã bàn đi tính lại, song việc đưa xã Tân Lập thoát xã 135 chưa biết đến khi nào.
Theo ông Lê, hiện thu nhập bình quân của xã mới đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm. Các tiêu chí nông thôn mới cũng trầy trật mãi mới đạt nổi 9/19 tiêu chí. "Cũng phải thôi, xã có thế mạnh gì đâu", ông Lê thở dài.
"Các nguồn lực phát triển kinh tế dù đã được tập trung triển khai nhưng hiệu quả lại không được như mong muốn. Doanh nghiệp không có, cả xã có mỗi một HTX, cũng mới thành lập được 2 năm nên hoạt động còn nhiều hạn chế; nguồn thu của xã chủ yếu thu từ các loại thuế, phí. Năm 2019, xã được giao chỉ tiêu thu ngân sách 40 triệu đồng mà trầy trật mãi mới hoàn thành đấy," Chủ tịch UBND xã Tân Lập trải lòng.
Các thầy cô phải vượt những cung đường hiểm trở, lầy lội, dốc đèo để mang cái chữ lên bản. Nhìn những học trò miền núi hoàn cảnh hết sức khó khăn như này khiến nhiều người không thể cầm lòng. Ảnh: Trần Quang Huy
Anh Trần Quang Huy (thôn Nà Ngần, xã Tân Lập) người từng công tác 10 năm tại đây cho biết: "Đến các thôn bản khó khăn của xã, chúng tôi không cầm lòng nổi, cuộc sống bà con nơi đây vất vả lắm. Chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi ủng hộ, và cũng đã chung tay xây dựng được một số lớp học, công trình điện thắp sáng ở Phiêng Đén và một số thôn.
Tuy nhiên đường sá nhiều nơi không có, việc mang vật liệu lên bản hết sức vất vả, người dân trong bản phải hò nhau kéo xe ô tô chở vật liệu vượt dốc đèo. Mong sao sẽ có thêm những Mạnh Thường Quân, những tấm lòng hảo tâm hướng đến bà con còn khó khăn nơi đây".
Xe chở vật liệu lên xây dựng lớp học trên Phiêng Đén được người dân hò nhau kéo vượt dốc đèo. Ảnh: Trần Quang Huy
Những lốp xe này được mang lên lắp cho trường học làm đồ chơi cho các cháu. Ảnh: Trần Quang Huy
Lớp học ngoài cùng bên phải đã được anh Huy kêu gọi để dựng cho các học sinh ở bản nghèo người Dao Phiêng Đén năm 2018. Ảnh: Trần Quang Huy
"Tôi nhớ nhất là lần xây lớp học ở Phiêng Đén, nhiều khi phải lấy xe máy chở từng viên gạch. Khi làm phải hứng từng giọt nước, thợ xây phải đợi nước để trộn vữa, vì nước ở đây rất khó khăn. Được cái bà con rất nhiệt tình hỗ trợ thêm chứ không cũng trầy trật lắm", anh Huy kể.
Có lên Tân Lập mới thấy được cuộc sống khó khăn của xã 135 này. Từ người dân đến lãnh đạo xã trên khuôn mặt đều phảng phất sự khắc khổ, tất cả đều đau đáu, loay hoay trong mịt mùng ma trận của cái nghèo vây bủa. Bài toán phát triển kinh tế của địa phương lúc nào cũng như ngọn núi khổng lồ đè trên vai những người tí hon, không chỉ Đảng ủy, chính quyền xã mà cả những người dân lam lũ nơi đây.
Theo Chiến Hoàng/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/bac-kan-khong-the-cam-long-khi-lac-vao-ma-tran-ngheo-o-xa-nay-1082877.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã