Bén duyên đông trùng hạ thảo
Cơ duyên mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 3, thị trấn Ia Kly, huyện Chư Păh, Gia Lai) đến với công việc sản xuất đông trùng hạ thảo là từ quá trình... điều trị chứng hiếm muộn.
Hiện tại, vợ chồng chị Liên đã mở cơ sở kinh doanh đông trùng hạ thảo mang tên Trung Phúc, bán ra thị trường nhiều loại sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy khô, ngâm rượu, ngâm mật ong… và nhất là đông trùng hạ thảo cấy trên xác động vật nhộng tằm.
Đông trùng hạ thảo là dược liệu được mệnh danh “thần dược”, chứa đến 17 loại axit amin tốt cho sức khỏe con người, giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, điều trị nhiều bệnh nan y, bệnh về đường sinh sản… Đây là loại dược liệu rất khó sản xuất, vì vậy giá cả trên thị trường cũng rất cao, những loại bình thường cũng có giá dao động từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng/kg. Riêng đối với đông trùng hạ thảo Tây Tạng nguyên con có giá hàng tỷ đồng/kg.
Chị Liên giới thiệu các sản phẩm đông trùng hạ thảo của gia đình sản xuất. (ảnh Lê Kiến)
Theo chị Liên, tên Trung Phúc chị đặt cho cơ sở sản xuất và kinh doanh của mình là tên của cậu con trai. Trước đây, vợ chồng chị lấy nhau đã hơn 11 năm nhưng vẫn chưa có con. Tìm hiểu nhiều bài thuốc chữa chứng hiếm muộn, trong đó có dùng dược liệu đông trùng hạ thảo, nên vợ chồng chị đã mày mò, tự nhân giống thành công.
“Năm 2019, ông xã mình tự mày mò đi mua ống nghiệm, chủng nấm về cấy thử nghiệm nuôi đông trùng hạ thảo. Ban đầu mình phản đối dữ lắm, nhưng sau nhiều lần thất bại đã thành công nên mình cũng mê luôn, học tập và làm cùng chồng. Hiện tại, cơ sở của mình nuôi cấy 1.000 hộp/tháng, tỷ lệ thành công tới 70-80%” - chị Liên cho biết.
Theo chị Liên, thu nhập hàng tháng từ trồng dâu nuôi tằm 1ha và sản xuất đông trùng hạ thảo của gia đình chị đạt trên dưới 50 triệu đồng.
Kỳ công nuôi cấy
Chị Nguyễn Thị Liên cho biết, đến thời điểm hiện tại gia đình đã đầu tư phòng thí nghiệm, các loại máy sấy, phân lập chủng nấm… với kinh phí hơn 600 triệu đồng. Trong thời gian tới, chị tiếp tục mở rộng cơ sở nuôi cấy. Do các thiết bị đồ dùng cho việc nuôi đông trùng hạ thảo rất tốn kém nên phải tích lũy, đầu tư dần.
Quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo phải hết sức nghiêm ngặt, môi trường phải vô trùng, tiệt trùng hoàn toàn,
Cuối năm 2019, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh Gia Lai đã đánh giá sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở Trung Phúc đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đồng thời, gia đình chị Liên cũng đã đăng ký, chờ cấp nhãn hiệu đông trùng hạ thảo mang tên Trung Phúc. |
Theo chị Liên, trước đây để có đông trùng hạ thảo nuôi trồng, gia đình chị phải đi mua các chủng nấm. Nhưng đến thời điểm này, gia đình chị hoàn toàn chủ động về các chủng nấm do tự sản xuất được.
Thời gian đầu là ủ tối 7 ngày, sau đó mang đông trùng hạ thảo đi chiếu sáng từ 65-85 ngày mới có thể thu hoạch. Riêng giống đông trùng hạ thảo được cấy trên xác động vật nhộng tằm được chị bán giá 80.000-100.000 đồng/con, loại đông trùng hạ thảo khô 10gram có giá 1 triệu đồng cùng nhiều sản phẩm khác.
“Về quy trình, sản xuất đông trùng hạ thảo phải hết sức nghiêm ngặt, môi trường phải vô trùng, tiệt trùng hoàn toàn, nếu sơ ý là hỏng hết toàn bộ sản phẩm. Vợ chồng mình mỗi khi vào phòng nuôi trồng đều phải mặc áo blouse trắng, đeo găng tay đầy đủ để tránh nhiễm khuẩn, nấm bệnh. Khó khăn nhất mà vợ chồng mình gặp phải là nghiên cứu, cấy chủng nấm đông trùng hạ thảo trên xác động vật nhộng tằm. Tuy không ít thất bại nhưng sản phẩm cấy trên nhộng tằm được bán với giá rất cao vì loại này có hàm chất dinh dưỡng nhiều” - chị Liên chia sẻ.
Theo chị Liên, trước khi đưa ra thị trường, mỗi lô sản phẩm đều được gửi mẫu đi kiểm tra thành phần dược tính, kết quả đều ở mức khá cao. Quan trọng nhất là 2 dược chất chỉ tồn tại ở đông trùng hạ thảo, có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển là Adenosin và Cordycepin đều có trong sản phẩm.
Theo Lê Kiến/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/may-mo-chua-hiem-muon-vo-chong-hai-lua-ben-duyen-lam-than-duoc-1083138.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã