Trong thời gian vừa qua, việc điều hành hoạt động xuất khẩu gạo của các cơ quan chức năng được dư luận hết sức quan tâm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid – 19 có những diễn biến mới, các cơ quan quản lý nhà nước có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng nhất với nhau. Có thời điểm hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn/tháng, còn hiện tại Bộ Công Thương đề xuất xuất khẩu gạo trong tháng 5 không hạn ngạch. Vậy, ông đánh giá thế nào về tình hình này?
- Theo tôi, việc Thủ tướng chỉ thị xuất khẩu gạo “có kiểm soát” là hoàn toàn đúng trong điều kiện khách quan. Đặc biệt, hiện tại, thị trường đang biến động rất mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19. Rõ ràng, trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cao như vậy, sản lượng xuất khẩu, giá gạo tăng, rất cần sự kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, khi đã thấy dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát, chủ trương mở cửa xuất khẩu không hạn ngạch vào tháng 5 là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề ở đây là do cách điều hành, việc nắm số liệu dự trữ của chúng ta không chính xác.
Do đó, vừa rồi mới xảy ra tình trạng, 14 doanh nghiệp hoặc là rất nhiều trường hợp không có gạo nhưng vẫn cứ đăng ký xuất khẩu. Tôi cho rằng việc không nắm chính xác số liệu về nguồn cung, dự trữ dẫn đến tình trạng đó.
Ngoài ra, cơ chế của chúng ta là sau khi ký được hợp đồng, các nhà xuất khẩu gạo mới bắt đầu làm việc với cơ quan chức năng và mua của người dân. Bản thân các đơn vị xuất khẩu gạo lại không mua trực tiếp của dân, đó là cơ chế từ trước đến nay. Theo tôi, đây là một căn bệnh cố hữu, cho nên dẫn tới tình trạng đó.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy
Ngoài ra, chúng ta có thể thấy cách các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn bám vào chuỗi giá trị cuối cùng để tìm ra giá trị sinh lời. Do đó, người ta đua nhau để làm nên gây ra tình trạng lúng túng và khó khăn.
Nếu nhìn nhận đúng trong thời gian qua, khó khăn trong việc xuất khẩu gạo rơi nhiều vào các doanh nghiệp chứ không phải về phía người nông dân. Bởi vì người nông dân người ta bán lúa chứ không bán gạo.
Nhìn lại, cách đây khoảng chừng 17 đến 20 năm, chúng ta có hệ thống xuất khẩu gạo và số liệu lưu trữ rất tốt, từ giá đến thị trường. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chúng ta bỏ không về mặt số liệu. Đây là mặt trái của công nghệ thông tin 4.0 khiến chúng ta dự báo không chuẩn.
Theo ông đánh giá, trong thời gian tới, công tác điều hành hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo sẽ như thế nào để đạt mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu?
- Cho đến thời điểm này về tín hiệu của nông nghiệp, giá gạo cũng đã bắt đầu tăng lên. Hiện tại, việc mở cửa xuất khẩu gạo không còn quota nữa mà để giải phóng lượng tồn đọng là hoàn toàn đúng. Cách điều hành như vậy có thể giải phóng thị trường, giải phóng cho gạo hiện nay tồn đọng trên các cảng, đồng thời cũng là kích thích sản xuất vụ hè thu.
Do đó, việc xuất khẩu gạo hoàn toàn là chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện sản xuất và năng lực dự trữ của Việt Nam. Ngoài ra, điều này cũng đúng với nhận định của các chuyên gia đã theo sát về gạo, thị trường nên nhận được nhiều ý kiến tán thành.
Theo tôi, cần bảo vệ lợi ích của người nông dân trồng lúa, trong thời điểm hiện tại phải được tận dụng nhiều nhất. Sau khi đã được bỏ hạn ngạch xuất khẩu để “đẩy” hết hàng tồn, ứ đọng, hiện tại, chúng ta phải nghĩ đến tổ chức sản xuất vụ hè thu.
Vụ hè thu cần đặc biệt chú trọng nhằm đảm bảo mục tiêu "kép"
Xin ông phân tích kỹ hơn về những yếu tố cần chuẩn bị đối với vụ hè thu sắp tới?
Trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay, khi vẫn còn nhiều lo lắng về an ninh lương thực thì để đảm bảo được điều này, phải dựa trên cơ sở việc trồng lúa có đủ nước tưới, đê bao. Nếu không đảm bảo được các yếu tố này, đặc biệt tại các khu vực phía Nam sẽ rất dễ bị tổn thất, đẩy các chi phí lên cao.
Ngoài ra, đối với vụ Hè – Thu, những khu vực trong vùng nước lũ dẫn đến tình trạng cây rất yếu. Do đó, để chuẩn bị tốt nhất cho mùa vụ này và đảm bảo mục tiêu “kép”, cần tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn cho bà con.
Qua đó, đảm bảo năng suất, sản lượng vụ lúa hè thu, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Đồng thời hỗ trợ cho an ninh lương thực và vẫn có dư để xuất khẩu. Ngoài ra, đối với rau màu thì đây cũng là thời cơ thuận lợi nhất.
Có 2 loại rau màu, là các cây có hạt và cây có củ, điều này chủ yếu miền Bắc tận dụng được. Đối với cây có hạt, tiêu biểu là đậu tương. Một mặt đậu tương là loại hạt đảm bảo được dinh dưỡng, bên cạnh đó còn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu như thời tiết thuận lợi, có thể trồng thêm các cây thực phẩm, công nghiệp, kể cả các cây dược liệu. Như vậy, có thể thấy, vụ hè thu sắp tới rất quan trọng, cần có định hướng chiến lược phù hợp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để hỗ trợ cho người dân là việc dự báo thời tiết, đặc biệt là khu vực miền núi. Có thể thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã có 7 trận mưa đá rồi. Bây giờ, trách nhiệm của cơ quan chức năng cần phải dự báo cho người dân liệu có còn thiên tai như vậy nữa hay không? Ngoài ra, công tác dự báo thời tiết còn phải giúp nông dân đỡ thiệt hại về cây giống và công chăm sóc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo bình thường từ tháng 5 Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến ngày 28/4 về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL - vựa lúa của cả nước, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn, một số bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Cùng với an ninh lương thực, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa. Thủ tướng cho rằng xuất khẩu gạo chúng ta đạt nhiều thành tích nhưng có một số trục trặc trong điều hành, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo. Cụ thể, từ 1/5 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định nghị định 107 và thực hiện nghiêm chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho xuất khẩu gạo trong tháng 5, 6 và các tháng tiếp theo, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và doanh nghiệp. Bộ Tài chính thực hiện mua đủ dự trữ quốc gia về gạo. Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ liên quan theo dõi thường xuyên tình hình sản xuất, tiêu thụ, dự trữ, xuất khẩu; nếu xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì báo cáo ngay Thủ tướng để có biện pháp xử lý phù hợp. P.V |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;