Học tập đạo đức HCM

Đang làm đầu bếp lương cao, chàng trai bỏ lên núi trồng sâm, giờ có trong tay tiền tỷ

Thứ bảy - 19/06/2021 09:08
Đang làm đầu bếp tại một nhà hàng lớn, có thu nhập cao ở Lai Châu, anh Nguyễn Trần Văn (quê Ninh Bình) quay ngoắt lên núi trồng sâm khiến nhiều người bất ngờ. Đến giờ, anh đã là chủ một vườn cây dược liệu quý, giá trị tiền tỷ ở tỉnh vùng cao Tây Bắc.

Chàng trai mê thuần phục loài sâm quý

Vào những ngày này ở Sìn Hồ thường xuyên có mưa rào, anh Nguyễn Trần Văn - Giám đốc HTX Sâm - tam thất Sìn Hồ phải trực 24/24 giờ ở vườn để khơi rãnh thoát nước, chăm sóc sâm quý.

Trò chuyện với chúng tôi, anh bảo: "Loài dược liệu quý này ưa ẩm, không sợ lạnh, băng tuyết nhưng lại rất kỵ mưa, ngập úng lâu là sâm chết hết".

Mới vào nghề được vài năm nhưng anh Văn đã rất am hiểu về loài sâm bản địa. Theo anh Văn, sâm Lai Châu lá chét thường có 5 lá, có lông ở trên cả 2 mặt có đặc điểm ưa ẩm và ưa bóng, mọc rải rác dưới tán rừng kín thường xanh ẩm, hoặc rừng có xen lẫn với sặt gai, ở độ cao 1.400-2.400m. 

Sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Anh Văn cho biết, tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Thân rễ của sâm Lai Châu thường dùng làm thuốc bổ, cầm máu, tăng cường sinh lực, chống stress. Lá, nụ hoa dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.

Cú vấp ngã tiền tỷ của chàng trai mê sâm - Ảnh 1.

Anh Văn kiểm tra sức khỏe các cây sâm quý tại nhà vườn của gia đình ở Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: T.Q

Ông Đồng Văn Liệt - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: Dù mới bắt tay vào trồng thử nghiệm sâm quý được vài năm nhưng đến nay HTX Sâm - tam thất Sìn Hồ đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, tiếp sức cho các đơn vị mở rộng diện tích sâm và chế biến dược liệu quy mô lớn.

Hiện nay, sâm Lai Châu đang bị người dân khai thác, sử dụng làm thuốc và bán sang Trung Quốc dẫn đến cạn kiệt và dần biến mất ở các khu rừng. 

Nắm bắt được điều này, anh Văn đã quyết định bỏ nghề đầu bếp, quay sang nhân giống và bảo tồn loài sâm quý trước nguy cơ tuyệt chủng.

Năm 2018, anh Văn bắt đầu thuê đất và làm nhà vườn ươm sâm Lai Châu và sâm Hàn Quốc. Mới đầu vào nghề, số tiền đầu tư đã lên tới tiền tỷ, chủ yếu để mua hạt giống sâm, mùn nguyên liệu về ươm thử nghiệm.

Thời gian đầu xuống giống, thấy sâm nảy mầm mọc đều, tưởng rằng thành công đã đến, anh Văn vui mừng chờ ngày bội thu. Ai ngờ, vài tháng sau các cây sâm đều bị vàng lá, chậm lớn, anh gọi điện cầu cứu các chuyên gia nhưng mọi thứ đã quá muộn. "Những ngày cuối năm 2018, ra thăm vườn, chứng kiến cây sâm ốm yếu, chết dần mà tôi đau xót lắm"- anh Văn nhớ lại.

Sau khi thiệt hại tiền tỷ, nhiều người thân và bạn bè khuyên anh Văn bỏ cuộc quay về làm nghề đầu bếp, song anh vẫn quyết tâm bám trụ tại nhà vườn của mình để nghiên cứu thuần phục bằng được loài sâm quý.

Đồng thời, HTX Sâm - tam thất Sìn Hồ còn kết nối với Viện Lâm sinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) và được hướng dẫn về kỹ thuật ngâm, ủ, trồng, chăm sóc các loài sâm quý. Đến năm 2019, anh Văn tiếp tục đưa thêm giống sâm Lai Châu về trồng trong nhà lưới tại vườn dược liệu của HTX với quy mô 500m2.

Giúp bà con nông dân cùng làm giàu

Cú vấp ngã tiền tỷ của chàng trai mê sâm - Ảnh 3.

Cận cảnh cây giống sâm Ngọc Linh hơn 1 năm tuổi tại nhà vườn của anh Văn. Ảnh: T.Q

Sang năm 2020, anh Văn đã nghiên cứu đưa hạt giống sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) về vườn ươm của gia đình ở Sìn Hồ (Lai Châu) khiến mọi người bất ngờ và tò mò hơn.

"Sâm Lai Châu là một trong những loài cây dược liệu quý hiếm có nguồn gốc tự nhiên, đặc tính, tác dụng gần giống với sâm Ngọc Linh nên khi trồng ở độ cao trên 1.000m ở Sìn Hồ rất phù hợp. Bằng chứng là sau một thời gian trồng thử nghiệm, đến giờ vườn sâm Ngọc Linh của tôi luôn xanh tốt. Đặc biệt, lượng dưỡng chất có trong củ sâm quý trồng tại vườn đã được các chuyên gia nghiên cứu, phân tích đánh giá đạt chất lượng ngang với sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam"- anh Văn chia sẻ.

Sau gần 2 năm thuần phục và nhân giống sâm quý, đến giờ anh Văn đã sở hữu một nhà vườn rộng khoảng trên 2ha sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và thất diệp nhất chi hoa. 

Trong đó, vườn ươm sâm Ngọc Linh của anh Văn đã bắt đầu thu hoạch cây giống chất lượng cao cung cấp cho khách hàng, với giá khoảng 450.000 đồng/cây hơn 1 năm tuổi.

Cũng theo anh Văn, vườn sâm Lai Châu của anh vẫn đang phát triển tốt. "Theo kế hoạch khoảng 3-4 năm tới, khi sâm kết tinh đủ dưỡng chất, chúng tôi sẽ bắt đầu thu hoạch"- anh Văn tiết lộ.

Sâm Lai Châu có giá trị kinh tế cao, giá bán tăng theo kích thước và trọng lượng củ, tùy thuộc vào hình dáng, số tuổi cây. Trung bình củ sâm Lai Châu có giá bán 20-30 triệu đồng/kg, loại củ to trên 100gr, giá bán khoảng 50-60 triệu đồng.

Tiếng lành đồn xa, nhiều đại gia, doanh nghiệp dược liệu đã cất công tìm đến tận nhà vườn của anh Văn để đặt hàng. Thậm chí có người đặt vấn đề mua cả vườn sâm với số tiền khủng nhưng anh vẫn quyết định không bán.

Để bảo đảm vườn dược liệu an toàn, HTX Sâm - tam thất Sìn Hồ đã lắp hệ thống camera dày đặc và thuê hàng chục công nhân vừa để bảo vệ, vừa chăm sóc sâm quý hàng ngày. Mới đây, anh Văn tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua thêm máy móc hiện đại để chế biến dược liệu tại chỗ cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. 

Anh Văn cho hay: HTX vừa làm nhiệm vụ cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con trồng và chăm sóc dược liệu, vừa bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Nhờ nghề trồng dược liệu, nhiều hộ dân ở đây có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.

Trong thời điểm có đại dịch Covid-19, sản phẩm dược liệu chế biến tiêu thụ khó khăn nhưng HTX Sâm - tam thất Sìn Hồ vẫn đảm bảo bao tiêu hết sản phẩm và trả tiền sản phẩm ngay, giúp bà con yên tâm, ổn định cuộc sống, sản xuất.

"Hiện việc sản xuất và chế biến dược liệu ở Sìn Hồ rất tiềm năng. Tuy nhiên, đến nay, HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tìm thuê mặt bằng sản xuất. Chúng tôi rất mong được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất dài hạn để có cơ hội làm ăn lớn hơn"- anh Văn kiến nghị. 

Theo danviet.vn
https://danviet.vn/dang-lam-dau-bep-luong-cao-chang-trai-bo-len-nui-trong-sam-gio-co-trong-tay-tien-ty-20210616175942986.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập517
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm513
  • Hôm nay71,413
  • Tháng hiện tại730,740
  • Tổng lượt truy cập93,108,404
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây