Gian hàng các sản phẩm OCOP của TP Cẩm Phả tại Tuần giới thiệu thuỷ sản và sản phẩm OCOP, được đông đảo đại biểu và người dân tham quan, mua sắm.
Quan sát tại các chương trình hội chợ OCOP hoặc các Tuần giới thiệu sản phẩm thuỷ sản và sản phẩm OCOP vừa qua tại TP Hạ Long cho thấy, nhiều sản phẩm OCOP của TP Cẩm Phả được người tiêu dùng đánh giá cao. Như nhiều khách hàng khác, chị Tô Thị Minh Tâm (Cửa Ông, TP Cẩm Phả) đánh giá, ngoài các sản phẩm quen thuộc như: Trứng gà, thảo dược Đông Bắc, Cẩm Phả ngày càng có nhiều sản phẩm mới là thực phẩm sạch, gần và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng như: Cá kho, lợn hướng nạc, ruốc hải sản sạch…
Có thể thấy, kết quả này là do địa phương đã tập trung nguồn lực, chú trọng phát triển, hoàn thiện tổ chức, doanh nghiệp OCOP, sản phẩm theo hướng có thế mạnh, chất lượng; thúc đẩy xúc tiến thương mại…Trước hết, để thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành OCOP, về hệ thống tổ chức, điều hành OCOP đã sớm được TP Cẩm Phả hoàn thiện năm 2017. Ban Điều hành OCOP thành phố có 38 người gồm các phòng ban, chủ tịch UBND các xã, phường và do trực tiếp chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. Nhờ đó chỉ đạo điều hành, cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp... được thực hiện thông suốt, hiệu quả hơn.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm một phần quan trọng ở sự phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp. Vì thế, một trong những điểm Cẩm Phả chú trọng là tập trung hỗ trợ phát triển tổ chức doanh nghiệp tham gia OCOP. Cẩm Phả quan tâm bố trí nguồn vốn để hỗ trợ việc thành lập mới các HTX giai đoạn 2017-2020. Theo đó, đã bố trí nguồn vốn 25 triệu đồng hỗ trợ thành lập mới 1 HTX, khuyến khích, hướng dẫn 5 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Qua con số thống kê cho thấy, số tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tăng qua từng năm và cho tới nay đạt con số 10 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình. Và các doanh nghiêp, cơ sở này đều đạt tiêu chuẩn, được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm định chất lượng hàng năm, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở. Đặc biệt có 5/10 cơ sở được chứng nhận quản lý cơ sở đạt tiêu chuẩn ISO, 1 cơ sở đạt chứng nhận Vietgap... Không ít các doanh nghiệp OCOP nổi lên nhờ thương hiệu, có kinh nghiệm và uy tín như: Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến Dược liệu Đông Bắc, Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh...
Đồng thời, TP Cẩm Phả cũng tập trung việc phát triển ý tưởng, sản phẩm mới. Từ năm 2017 đến nay, thành phố đã tiếp nhận 32 ý tưởng sản phẩm mới; trong đó đã hướng dẫn phát triển thành công, thực hiện có hiệu quả phương án sản xuất kinh doanh được 32 sản phẩm.
Cụ thể, năm 2017 có 12 sản phẩm; năm 2018 có 3 sản phẩm. Riêng hai năm 2019 và 2020 đã phát triển được 17 sản phẩm. So với một số địa phương khác, dù lượng sản phẩm chưa nhiều nhưng chất lượng khá cao, với trên 50% đạt từ 4 - 5 sao với 18 sản phẩm; 14 sản phẩm còn lại đạt 3 sao. Hiện 32/32 sản phẩm OCOP đã có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; 28/32 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Một trong những điểm nhấn là TP Cẩm Phả đã bố trí, tập trung các nguồn lực, "tiếp sức” phát triển, nâng tầm sản phẩm OCOP. Gắn với Chương trình Nông thôn mới, từ năm 2017 tới nay, TP Cẩm Phả hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng cho các mặt như: lãi xuất tín dụng đầu tư cho OCOP, thuê điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, XTTM trong và ngoài tỉnh, đào tạo tập huấn, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tem nhãn hiệu…
Để phát triển bền vững, Cẩm Phả hỗ trợ phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, bố trí 2 tỷ đồng lập quy hoạch nuôi trồng thủy hải sản trên biển đồng thời hỗ trợ trang trại sản xuất giống và chăn nuôi lợn của Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường; dự án sản xuất, chế biến dược liệu Đông Bắc; nhà máy chế biến nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh theo công nghệ Italia; xưởng sản xuất bánh đa...
Đặc biệt, với các doanh nghiệp còn non trẻ, chịu nhiều cạnh tranh hoặc suy giảm trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Cẩm Phả quan tâm hỗ trợ nguồn lực để giúp doanh nghiệp tồn tại, phát triển. Đồng thời hỗ trợ kinh phí để các đơn vị tham gia xúc tiến thương mại trung bình 7- 10 lần/năm để hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, thành phố luôn quan tâm bố trí nguồn vốn từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Nhờ đó, hỗ trợ đa dạng các hoạt động như phát triển, thành lập các tổ chức, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh trung bình 30 - 40 triệu đồng/năm; giới thiệu các nguồn hàng là sản phẩm đạt tiêu chuẩn ở các điểm bán hàng OCOP trong tỉnh và mở rộng thị trường Hà Nội...
Được biết, thời gian tới, TP Cẩm Phả tiếp tục phát triển chương trình OCOP bằng việc tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm cho chủ thể chương trình OCOP... Mục tiêu cụ thể là phát triển đa dạng các sản phẩm ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến, sơ chế; áp dụng thành công công nghệ 4.0, giám sát quy trình sản xuất, chế biến tất cả các sản phẩm đạt sao cấp thành phố, cấp tỉnh.
Theo Hà Phong/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã