Trong vốn ngân sách nhà nước, chỉ có 17% vốn trực tiếp của chương trình xây dựng nông thôn mới, còn lại 23% là vốn của các chương trình MTQG đã có từ trước, nay được lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo số 1532/BNN-KH ngày 10/5/2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về sơ kết ba năm thực hiện các Chương trình MTQG, tình hình huy động và giải ngân các nguồn vốn chương trình nông thôn mới, bao gồm: Một là, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho 59 tỉnh và các bộ ngành là 4.920 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2013 là 1.620 tỷ đồng, giảm 80 tỷ đồng so với năm 2012. Hai là, ngân sách địa phương: Theo báo cáo của 60/62 địa phương, đã có 55/63 tỉnh, thành phố bố trí ngân sách địa phương cho Chương trình với tổng kinh phí là 18.091 tỷ đồng (năm 2012 khoảng 11.449 tỷ, tăng 72% so với năm 2011). Trong đó các tỉnh, thành phố tự túc ngân sách chiếm khoảng 71% (cao nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương). Theo Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cơ cấu vốn thực tế đã thực hiện: vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 55 - 58%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác khoảng 12 - 15%; vốn tín dụng khoảng 12 - 15% và huy động đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 15 - 20%. Khi thực hiện có những hạn chế về vốn: (i) Cơ chế huy động vốn ngoài ngân sách chưa phát huy tác dụng; (ii) Vốn ngân sách nhà nước còn thấp so với nhu cầu và mục tiêu (năm 2011 mới đáp ứng được khoảng 23%, năm 2012 đáp ứng được khoảng 30%, dự kiến cả giai đoạn đến năm 2015 đáp ứng được khoảng 40%). Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn vốn huy động từ khu vực doanh nghiệp rất hạn chế. Vốn tín dụng chỉ là vốn vay nên nhiều địa phương không có điều kiện tiếp cận nguồn vốn này. Huy động đóng góp của cộng đồng dân cư chủ yếu là quỹ đất, ngày công lao động, đóng góp bằng tiền không nhiều. Nguồn vốn thực hiện chương trìng xây dựng nông thôn mới chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước. Trong khi chưa có quy định cụ thể cơ chế lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG cho nên việc tập trung vốn ngân sách cho xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn. Có 16 chương trình MTQG với các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang được thực hiện trên địa bàn nông thôn, đều là nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Các nguồn vốn này được đầu tư qua các bộ, ngành Trung ương, từ đó phân bổ về cho các sở, ngành địa phương (trừ phần vốn đối ứng của địa phương). Cơ chế phân phối vốn theo ngành dọc làm nảy sinh những khó khăn trong việc điều phối chương trình trên từng địa bàn; vì ngành nào cũng muốn sử dụng vốn đầu tư có lợi cho ngành mình. Mức độ đầu tư vốn cho các chương trình MTQG không đồng đều, có chương trình được đầu tư nhiều, có chương trình đầu tư ít, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch điều phối vốn hàng năm của Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Đối với nguồn vốn đầu tư cho các công trình xây dựng như: kiên cố hóa trường học, kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng trụ sở xã… thì dễ lồng ghép vì gắn với từng công trình cụ thể. Đối với các nguồn vốn không gắn với các công trình như: xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tội phạm, thích ứng biến đổi khí hậu… thì việc lồng ghép điều phối chung trong nguồn vốn xây dựng nông thôn mới khó đảm bảo tính đồng bộ, mặt khác hiệu quả sử dụng nguồn vốn này sẽ không cao nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới, các Bộ ngành theo nhiệm vụ được phân công, khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: (i) Khẩn trương hoàn thiện dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về cơ chế lồng ghép các chương trình MTQG trên địa bàn xã; ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản với công trình quy mô nhỏ trên địa bàn xã; (ii) Cân đối nguồn vốn, giao kế hoạch vốn trung hạn (trước mắt đến năm 2015 đối với nguồn vốn đầu tư phát triển) để các địa phương chủ động tổ chức triển khai thực hiện và bố trí vốn đối ứng. Đối với Bộ Tài chính: (i) Nghiên cứu, điều chỉnh thủ tục giải ngân, thanh quyết toán nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho Chương trình theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và cộng đồng tự thực hiện và chủ động giám sát; (ii) Nghiên cứu, đề xuất tỷ lệ ngân sách tối thiểu của ngân sách các cấp hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình theo hướng tăng nguồn thu cho ngân sách cấp xã nhằm tăng nguồn lực cho các hoạt động xây dựng nông thôn mới./. |
Trần Gia Long theo vukehoach |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;