Trao đổi với chúng tôi về kỹ thuật tái canh càphê, ông Nguyễn Đại Ngọc, Giám đốc Công ty cho biết: Sau khi chặt bỏ, dùng máy cày xới để móc rễ, phá vỡ độ chai cứng, kết vón của đất và phơi ải. Gom nhặt sạch và xử lý triệt để các tàn dư thực vật còn sót lại trong đất, chú ý cày xới kỹ, gom sạch và xử lý triệt để rễ càphê nhằm hạn chế tối đa mầm mống sâu bệnh. Với vườn cây trước đó không bị sâu bệnh, sau khi khai hoang nhổ bỏ cây, tổ chức trồng tái canh ngay để khỏi lãng phí đất. Dùng máy cơ giới chuyên dụng đào hố sâu 0,8m, rộng 1m, không cắm tiêu đào hố vào gốc càphê cũ với khoảng cách hàng cách hàng 3,5m, cây cách cây 3m. Khi đào hố để lớp đất mặt qua một bên và phơi hố 30 - 45 ngày, sau đó dùng cuốc bàn hoặc cuốc chỉa (cào 3 răng) đưa lớp đất mặt xuống, rồi xả thành hố, lấp hố tạo bồn. Độ sâu của bồn so với mặt đất từ 25 - 30cm.
Nếu không có phân chuồng, có thể dùng vỏ càphê trộn với phân gia súc, xác thực vật (phân xanh) đảo trộn ủ cho lên men, đem bón mỗi hố khoảng 25kg cộng với 0,5kg vôi bột, 0,5kg lân, 0,2g Trichoderma đem đảo trộn đều, ủ chờ khi có mưa đủ ẩm thì tiến hành bón thêm 2kg phân lân vi sinh và trồng cây con. Công việc đào hố, bón lót phải hoàn thành trước ít nhất 30 ngày. Thời vụ trồng tại Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, từ 15/5 đến 15/7 hằng năm.
Kỹ thuật trồng: Đào một hố nhỏ giữa hố với độ sâu 25-30cm, rộng 20 - 25cm, dùng dao sắc cắt đáy bầu 1-2cm nhằm loại bỏ phần rễ cong ở đáy bầu, sau đó dùng tay cầm hai bên phía trên miệng túi bầu lắc nhẹ cho bầu rơi ra khỏi túi và cho vào hố trồng, làm cẩn thận không được làm vỡ bầu đất, khi trồng đặt bầu xuống hố sao cho mặt bầu thấp hơn mặt đất 3-5cm, chú ý điều chỉnh cây cho thẳng hàng, khi trồng không được lấp kín 2 lá sò (lá mầm) phía dưới cùng và nén nhẹ đất xung quanh bầu. Dùng cây cắm giữ túi bầu để hạn chế côn trùng (nhất là dế mèn) cắn gãy cây con. Bộ giống khi ươm cây con phải thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đảm bảo kích cỡ hạt giống sinh trưởng, phát triển cân đối, không bị dị dạng hoặc có dấu hiệu bất thường, có đủ 5 - 7 cặp lá, kết hợp với việc chăm sóc đúng quy trình, giúp cây phát triển tốt.
Từ mô hình tái canh hiệu quả của Công ty Ia Grai, nhiều tổ chức, cá nhân đã đến tham quan, học hỏi. Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá cao quy trình tái canh ở đây và đề nghị cần phải tổng kết nhân rộng.
Để việc tái canh càphê hiệu quả, ông Ngọc đề nghị các ngân hàng điều chỉnh lại mức vay theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đồng thời xử lý khoanh nợ theo Thông tư 4647; Tổng công ty Càphê Việt Nam cần hỗ trợ về tài chính để xử lý tồn tại khi nhận bàn giao.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai chương trình tín dụng tái canh càphê giai đoạn 2013-2015 cho các tỉnh Tây Nguyên với tổng mức vốn 8.000-10.000 tỷ đồng, do Agribabk thực hiện, với lãi suất 10%/năm, thời gian cho vay 7-8 năm, thậm chí kéo dài 10-12 năm. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần xây dựng, phát triển ngành càphê, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên.
Hải Lộng (kinhtenonghton.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;