Học tập đạo đức HCM

Nông dân Thái Nguyên tham gia xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 04/06/2013 20:28
Thái Nguyên là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015. Qua hai năm thực hiện, diện mạo nông nghiệp, nông thôn Thái Nguyên đã có những dấu hiệu khởi sắc.

Ghi nhận ở một xã ven sông

Từ thượng nguồn đổ về đến Gốc Vối, dòng sông Cầu đoạn chảy qua địa phận Thái Nguyên chợt đổi dòng, lượn thành hình cánh cung ôm lấy xã Cao Ngạn (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Xã Cao Ngạn có xóm Gốc Vối, Hội Hiểu, Tân Phong, Gò Chè, Cổ Rùa và xóm Vải bám lấy triền sông, các xóm còn lại nằm nhấp nhô trên gò đồi đầy đất sỏi gan gà.

Vùng đất bên sông ấy xưa kia không thành bến đậu. Nhiều người đến, lại bỏ đất mà đi bởi muỗi mòng, bởi hạt ngô, rảnh mạ tra xuống ruộng bén rễ trong khó nhọc. Lúc cây ngô có bắp, bông lúa vừa no sữa lại thình lình nước thượng nguồn đổ về, dềnh lên, mất trắng. Các cụ cao tuổi ở đây bảo: Ðó là những năm lâu lắm, không nhớ rõ. Chỉ nhớ sau ngày dân mình đi theo Bác Hồ làm Cách mạng Tháng Tám, vùng đất bên sông này mới rậm rịch bước chân người tìm về phát bờ trồng cấy. Vùng ven sông dần dà cũng thành những thửa ruộng màu mỡ cho ngô, lúa đơm bông.

Ngồi trong nhà ông Ðặng Xuân Vòng, xóm Hội Hiểu, nhìn ra dòng sông Cầu thấy nước mênh mang chảy. Ông Vòng tâm sự: Khoảng trước năm 1980, dân xã mình đói dài, đói dai cũng vì chỗ đất trũng thường bị ngập úng, chỗ đất cao lại không chủ động được nước cho sản xuất. Còn bây giờ tuy chưa trị thủy tránh úng, nhưng từ nhiều năm nay đồng đất Cao Ngạn đã xanh tốt bốn mùa, trong xã không còn nhà nào phải vác rá đi vay gạo. Anh Lưu Trung Kiên, cán bộ địa chính, kiêm phụ trách mảng nông nghiệp của xã nói chúng tôi đi tiếp cùng xuống cơ sở xem bà con nông dân làm ăn. Trên các trục đường bê-tông giao thông nông thôn, qua những khu đồng rộng mênh mang, đây đó từng đám ruộng xanh màu rau, hàng lối thẳng tắp thấp thoáng bóng người gánh đôi thùng tưới... Chốc chốc chúng tôi lại đứng nép bên vệ đường, nhường chỗ cho một chiếc xe vận tải đang chở hàng nông sản đi tiêu thụ. Mỗi chuyến xe như thế mang đi cả chục tấn gà, lợn của nông dân xuất bán. Anh Kiên cho biết: Thế mạnh trong phát triển kinh tế của nông dân Cao Ngạn hiện nay là làm trang trại. Cả xã có 1.900 hộ thì có hơn 50 hộ xây dựng được trang trại chăn nuôi, với mức thu nhập đã trừ chi phí đạt từ 100 đến 300 triệu đồng/trang trại/năm.

Dọc bên các trục đường xóm, nhà xây đã thế chỗ nhà mái tranh. Ti-vi, xe máy hầu như hộ nào cũng có. Ðặc biệt trong xã, điện, đường, trường, trạm... đã được xây dựng khang trang. Ðiện thoại di động được sử dụng khá phổ biến đối với mỗi người, mạng in-tơ-nét cũng không còn xa lạ đối với nông dân. Công nghệ thông tin và sự tác động của cơ chế thị trường làm đổi thay suy nghĩ của mỗi người trong lao động sản xuất. Nông dân Cao Ngạn không làm ăn lẻ tẻ như hơn mười năm về trước, mà có sự liên kết giữa các hộ trong xã với nhau, và với các doanh nhân ngoài tỉnh từ TP Hà Nội, Hải Phòng, xa hơn nữa là TP Hồ Chí Minh. Các hợp đồng kinh tế được thống nhất trên nguyên tắc nông dân và doanh nhân cùng có lợi. Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Doãn Mai là một trong những điển hình ấy, khi là chủ của trang trại chăn nuôi gà với quy mô 8.000 con/lứa. Anh tham gia chăn nuôi gia công cho một công ty thức ăn chăn nuôi ở Hà Nội với phương thức hợp tác: Công ty cung ứng cám, giống, kỹ thuật, thuốc phòng bệnh và bao tiêu sản phẩm - gia đình có đất, có chuồng trại và có người làm công. Mỗi năm gia đình anh xuất chuồng ba lứa gà, đạt tổng sản lượng gần 50 tấn gà thương phẩm/năm. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình dư từ 200 đến 300 triệu đồng. Bà Trần Thị Ngà, xóm Tân Phong cũng chăn nuôi gà ở quy mô 8.000 con/lứa, song bà trực tiếp hợp tác với các chủ lò mổ ở Thái Nguyên, Hải Phòng để giao bán sản phẩm. Bà Ngà nói: Làm như thế mình chủ động hơn về con giống, nơi cung ứng thức ăn và thị trường.

Người dân Cao Ngạn hôm nay, ai cũng vui, bởi sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn đã làm thay đổi tư duy của những chủ nhân một thời thâm căn, cố đế chỉ biết có làng. Bây giờ họ là những nông dân hiện đại, biết tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với khối lượng sản phẩm lớn cung ứng cho thị trường. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về phát triển kinh tế, xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn Tạ Thanh Bình nói: Với phương châm "Tiêu chí dễ và ít kinh phí làm trước, tiêu chí khó làm sau, nguồn lực thực hiện chủ yếu của nhân dân", hiện nay xã đạt chắc 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Cái thuở dân trong xã phải đi lên rừng trồng cây sắn, tìm củ mài, qua lâu lắm rồi. Trong xã có hơn 30% số hộ nông dân kinh tế khá và giàu. Nhiều hộ mua sắm được ô-tô vận tải làm dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm. Nhiều người có vốn đứng ra mở đại lý thu mua hàng nông sản, cung cấp cho thị trường phố thị.

Ðể phong trào xây dựng NTM phát triển hơn

Theo số liệu tổng hợp của Ban chỉ đạo Xây dựng NTM Thái Nguyên, hiện tỉnh này có 143 xã, trong đó có 35 xã điểm đang tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng NTM. Ðến nay, 100% số xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch NTM. Theo đó, đã có 47/143 xã được phê duyệt Ðề án xây dựng NTM, 18/143 xã được phê duyệt Ðề án phát triển sản xuất. Nét nổi bật sau hai năm thực hiện, nhận thức của cán bộ, nhân dân, nông dân địa phương về Chương trình xây dựng NTM đã được nâng lên. Tỉnh đã vận động nông dân hiến được 128,7 ha đất, đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp 1.509 km đường giao thông nông thôn, 70,5 km kênh mương thủy lợi, 71 trạm điện, hơn 200 km đường điện, 97 trường học, 17 trạm y tế xã... Nhìn chung các xã trong tỉnh đã có hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ. Theo đánh giá, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 36 xã hoàn thành 9 - 13/19 tiêu chí, 83 xã đạt từ 5 - 8/19 tiêu chí.

Bên cạnh thành công bước đầu nêu trên, công tác triển khai Chương trình xây dựng NTM tại Thái Nguyên vẫn còn những hạn chế, như nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Ban chỉ đạo ở một vài địa phương cần được nâng cao hơn. Sự phối hợp hoạt động và tham mưu của một số sở, ban, ngành, huyện, xã còn thiếu chặt chẽ, tâm huyết. Tỉnh chưa huy động được nguồn vốn trong xã hội đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho 35 xã điểm còn thấp. Không ít địa phương chưa đánh giá đúng hiệu quả vốn đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư dàn trải, chưa có trọng tâm. Kết quả thực hiện một số tiêu chí đạt thấp...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên Ðặng Viết Thuần cho biết: Vai trò của người nông dân trong xây dựng NTM là vô cùng quan trọng. Trong năm 2013 này, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn phổ biến các nội dung thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn cho người nông dân. Lập ra quy hoạch chi tiết đâu là khu trung tâm xã, khu dân cư, đâu là khu phát triển sản xuất tập trung, trên cơ sở đó thực hiện sẽ hiệu quả cao hơn... Ngoài ra sẽ tham gia các trường đại học, trung tâm nghiên cứu đề xuất ứng dụng, nhân rộng các hình thức quản lý, tổ chức sản xuất có hiệu quả kinh tế. Khuyến khích đưa khoa học công nghệ cao vào chương trình xây dựng NTM. Thêm nữa, để phong trào xây dựng NTM có những chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu, tới đây, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM Thái Nguyên và các địa phương trong tỉnh sẽ thẳng thắn đánh giá các tiêu chí sát với thực tế. Cùng với đó đẩy mạnh tuyên truyền tới từng người dân, nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho chủ thể là người nông dân tham gia toàn diện hơn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Thái Nguyên.

PHƯƠNG CƯỜNG
Theo nhandan.org.vn

 


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập614
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại792,590
  • Tổng lượt truy cập93,170,254
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây