Tại thời điểm này, khi Bộ Công thương lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch mới, thì Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 10/03/2008 đã thực hiện được 5 năm.
Khi nhà máy chuyển về nông thôn, doanh nghiệp dệt may sẽ |
Trong 5 năm qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước tiến dài, từ một ngành ít tên tuối trên bản đồ dệt may thế giới, hiện đã đứng trong Top 5 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt trên 17 tỷ USD, góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm, ổn định an sinh xã hội.
Ngành dệt may hiện có 5.982 doanh nghiệp (DN), đóng góp 8% GDP và là một trong những ngành đi đầu trong xuất khẩu của Việt Nam, với gần 1.700 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành dệt may cũng là ngành có tỷ lệ DN FDI khá lớn.
Tuy nhiên, ngoài điểm sáng về xuất khẩu, tạo việc làm, Quy hoạch Phát triển dệt may hiện tại và trước đó là Chiến lược Tăng tốc phát triển ngành dệt may (được phê duyệt năm 2000) còn bộc lộ hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết.
Hạn chế lớn nhất, nổi bật nhất của ngành dệt may trong nước hiện chính là phải nhập khẩu hầu hết nguyên phụ liệu, máy móc phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm. Tiếp đến, công tác dự báo chưa theo kịp diễn biến của thị trường thế giới, kỹ năng thiết kế, phát triển sản phẩm còn yếu…
TS. Nguyễn Sỹ Phương, Phó viện trưởng Viện Dệt may Việt Nam thừa nhận, điểm yếu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa của một số loại nguyên phụ liệu, như xơ bông, sợi, vải, chỉ may, bông tấm… còn thấp, chưa đủ phục vụ cho sản xuất xuất khẩu.
Đơn cử, như năng lực sản xuất nguyên liệu bông trong nước mới chỉ đáp ứng 3 - 4% nhu cầu sử dụng. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 17 tỷ USD, trong đó dệt may xấp xỉ 15,2 tỷ USD, xơ sợi 1,8 tỷ USD.
Song, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa rất cao, lên tới 11,3 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu bông 875 triệu USD, xơ sợi các loại 1,4 tỷ USD, vải 7,045 tỷ USD, nguyên phụ liệu các loại 2,043 tỷ USD.
Lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm cao đã làm cho tỷ trọng và giá trị gia tăng của ngành chỉ đạt ở mức thấp. Đó là chưa kể, khi giá nguyên liệu thế giới có biến động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN luôn bị tác động xấu.
Quy hoạch Phát triển công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đặt mục tiêu xuất khẩu 18 tỷ USD vào năm 2015, và 25 tỷ USD vào năm 2020, đề ra mục tiêu nội địa hóa ở mức tương ứng là 60% và 70%.
Sau 5 năm, cho dù tăng trưởng xuất khẩu đạt và vượt cả mục tiêu, song tỷ lệ nội địa hóa của ngành vẫn còn là một khoảng cách khá xa so với mục tiêu. Như vậy, việc đánh giá lại Quy hoạch cũ để lập Quy hoạch mới là một đòi hỏi cần thiết và khách quan của ngành dệt may.
Ông Phương cho rằng, việc xem xét để đưa ra các số liệu tăng trưởng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đưa ra được các giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu.
Đối với ngành dệt may, hạn chế lớn nhất là vấn đề nguyên phụ liệu, nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thì cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích DN đầu tư cụ thể vào các khu, cụm công nghiệp dệt may đã được đầu tư đồng bộ…
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 5 của thế giới, nhưng lại là quốc gia mới gia nhập chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm dệt may thế giới. Dệt may hiện đứng trước thách thức lớn trong việc thực hiện chiến lược nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành dệt và xây dựng vị trí bền vững trong ngành dệt may thế giới.
Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa nhận xét, Dự thảo Quy hoạch mới được xây dựng trên nền tảng tiếp thu và kế thừa Quy hoạch cũ, có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.
Do dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, nên nguồn lao động dồi dào, chất lượng cao, ổn định sẽ là điều kiện không nhỏ quyết định tới sự phát triển của DN, cả ngành. Trong đó, Quy hoạch mới cần phải giải quyết được vấn đề lao động dệt may từ nông thôn chuyển dịch ra thành thị; thu nhập của người lao động còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, khiến tỷ lệ lao động bỏ nghề còn cao...
“Thông qua chiến dịch đầu tư mạnh hơn tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, đưa các nhà máy về đó, các DN dệt may sẽ dễ tuyển dụng lao động hơn”, bà Thoa nhấn mạnh.
Hải Yến
Theo baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;