Ngày 9/10, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Sản xuất, thương mại trứng gia cầm tại Việt Nam và trên thế giới, triển vọng thị trường”.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), hội viên thuộc Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trứng tại Việt Nam…
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ trứng của Việt Nam và hưởng ứng kỷ niệm 25 năm “Ngày trứng Thế giới”. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá ngành sản xuất trứng tại Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường trứng toàn cầu sẽ tăng từ hơn 213 tỷ USD (năm 2020) lên hơn 227 tỷ USD (năm 2021). Bình quân trong giai đoạn 2012 - 2020, sản lượng trứng thế giới tăng trưởng hàng năm 2,9%.
Năm 2020, xuất khẩu trứng gà toàn cầu đạt khoảng 2 triệu tấn về lượng và 3,5 tỷ USD về giá trị. Trong đó, các nước xuất khẩu lớn như Hà Lan (409.000 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (281.000 tấn), Ba Lan (196.000 tấn), Mỹ (145.000 tấn), Đức (109.000 tấn)… chiếm 78% tổng sản lượng xuất khẩu.
Dự báo đến năm 2025, thị trường trứng toàn cầu sẽ đạt hơn 297 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,7%. Đến năm 2030, thị trường trứng gà toàn cầu tiếp tục mở rộng và được dự báo sẽ đạt 138 triệu tấn.
Dân số tại các nước đang phát triển sẽ tăng lên 6,9 tỷ người vào năm 2030 và chiếm 85% dân số toàn cầu vào năm 2050. Do đó, tại các quốc gia này, nhu cầu đối với thịt và trứng gia cầm trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành gia cầm đã đạt sự tăng trưởng ở mức khá cao. Sản lượng trứng sản xuất hàng năm không ngừng gia tăng, từ hơn 8,8 tỷ quả năm 2015 tăng lên hơn 16 tỷ quả vào năm 2020. Bình quân tăng trưởng về sản lượng trứng của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt 12,67%/năm, cao hơn 4 lần so với mức tăng trưởng bình quân toàn cầu trong cùng giai đoạn.
Tuy nhiên, tiêu thụ trứng ở Việt Nam hiện nay đạt 149 quả/người/năm (năm 2020). Trong khi đó, tiêu thụ trứng bình quân của thế giới khoảng 210 - 220 quả/người/năm. Một số quốc gia tiêu thụ trứng trên 300 quả/người/năm như Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Malaysia, Indonesia…Với dân số sẽ tăng trên 100 triệu dân, tiềm năng về thị trường tiêu thụ trứng của Việt Nam còn rất lớn.
Tuy vậy, thời gian qua, do giá cả không ổn định, khiến áp lực cạnh tranh của các sản phẩm trứng thương phẩm rất khốc liệt, buộc một số doanh nghiệp, trang trại phải giảm công suất hoặc tạm dừng mở rộng đầu tư.
Bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Khối phân tích ngành hàng AgroMonitor cho biết: Đối với thị trường ngoài nước, hiện nay các nước sản xuất trứng lớn đang nổi lên là Trung Quốc, Mỹ, khu vực EU, Ấn Độ.
Đây là những nước có ngành công nghiệp thực phẩm phát triển và là nước đông dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, các quốc gia này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất.
Đối với thị trường trong nước, kênh phân phối trứng của chúng ta hiện nay là 50% đến hộ gia đình dùng cho bữa ăn hàng ngày và 50% đến bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 nhiều nhà máy, trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể… phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Kết hợp với việc nhận thức của người dân về vai trò thực sự của trứng trong đời sống hàng ngày chưa đầy đủ nên sức tiêu thụ của thị trường giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp được sử dụng trứng làm nguyên liệu như sản xuất bánh kẹo cũng bị ngưng trệ. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất đối với ngành chăn nuôi gia cầm là vấn đề giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Vì vậy, mặc dù Việt Nam có lợi thế về các điều kiện sản xuất như thời tiết, khí hậu, truyền thống chăn nuôi lâu đời của người dân, sự nhạy bén của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy trình, công nghệ mới… Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, không quá kỳ vọng vào những tháng cuối năm 2021 mà phải đến đầu năm 2022, khi mức độ phủ vacxin phòng dịch Covid-19 cao hơn thì việc đánh giá chính xác thị trường mới được đảm bảo.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trứng cũng bày tỏ những quan điểm về định hướng phát triển của ngành trứng trong tương lai. Đồng thời, gợi ý những giải pháp để Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam có kiến nghị với các bộ, ngành trong thời gian tới nhằm giúp ngành trứng Việt Nam nói riêng và chăn nuôi gia cầm nói chung ngày càng phát triển.
Trong đó, các đại biểu đều thống nhất tiềm năng phát triển của ngành trứng Việt Nam rất rộng mở, còn nhiều dư địa để phát triển, không chỉ giải quyết vấn đề dinh dưỡng mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân cả nước.
Trong thời gian tới, các đại biểu kiến nghị Bộ NN-PTNT có định hướng rõ nét cho ngành trứng của Việt Nam theo hướng sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Đồng thời, hỗ trợ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về ngành trứng, xây dựng các chương trình kích cầu tiêu thụ trứng như chương trình đưa trứng vào học đường, bệnh viện, viện dưỡng lão…, vừa giúp mở rộng thị trường tiêu thụ trứng, vừa từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của người dân về trứng. Từ đó, giúp ngành trứng có cơ sở để phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Trung Quân/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/but-pha-san-xuat-trung-gia-cam-viet-nam-d304686.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;