Nhiều mô hình cho thu nhập cao
Nhiều năm nay, bà Lê Thị Bính ở ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ (Phú Tân) thực hiện mô hình trồng chuyên canh các loại hoa màu. Trước đây, gia đình bà nuôi tôm, nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Có hơn 1.000m2 vườn, bờ bao vuông nuôi tôm, nhờ được cán bộ địa phương định hướng, bà cải tạo trồng các loại rau để bán hàng ngày. Với hình thức canh tác gối đầu, gia đình bà Bính có thu nhập 4 - 7 triệu đồng/tháng.
Bà Bính cho biết: “Để trồng hoa màu hiệu quả, mình phải biết người tiêu dùng lựa chọn loại rau nào? Từ đó sản xuất theo nhu cầu thị trường, bán được giá cao”.
Hay như gia đình của ông Nguyễn Trường Giang ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận (Phú Tân), gần 10 năm qua, tận dụng hơn 1.500m² đất xung quanh nhà trồng các loại hoa màu vừa tăng thu nhập, vừa cải thiện đời sống.
Ông Giang cho biết: “Để trồng hoa màu hiệu quả, yếu tố hàng đầu là phải cải tạo đất, lựa chọn giống phù hợp. Bình quân mỗi tháng gia đình có thu trên 7 triệu đồng từ mô hình này. Điều quan trọng là rau mình trồng đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả cho mình và người tiêu dùng. Nhờ vậy, gia đình có thêm thu nhập hằng ngày, ổn định cuộc sống”.
Tại huyện Trần Văn Thời, gia đình chị Nguyễn Thanh Hiền (ấp Tân Thành, xã Lợi An) lại lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất nuôi tôm, cua kết hợp, mỗi năm có thu gần 150 triệu đồng.
Gia đình ông Huỳnh Hoàng Lĩnh (ấp Cái Sắn Ngọn, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) phát triển kinh tế từ mô hình trồng cây cảnh. Do đam mê cây cảnh, ông Lĩnh tận dụng khoảng 2.000m² đất quanh nhà để phát triển mô hình. Trong đó, chủ yếu trồng mai vàng, mai chiếu thủy với số lượng trên 100 gốc lớn nhỏ, cùng một số cây hoa sứ, hoa giấy, hoa hồng.
“Nhờ trồng cây cảnh mà nguồn thu nhập tăng thêm hơn 50 triệu đồng/năm. Nếu tính cả mô hình lúa - tôm thì có tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và tìm kiếm thêm nhiều giống cây đẹp, độc, lạ để tạo nên sự phong phú cho khu vườn cây cảnh của mình”, ông Lĩnh nói.
Là một trong những hộ đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống của gia đình ông Trần Văn Út (ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước) trước đây cũng gặp không ít khó khăn. Thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào 10 công (1 công = 1000m2) thả tôm, cua. Tuy nhiên, mô hình này không đem lại hiệu quả như mong muốn. Sau một lần tiếp cận được mô hình nuôi sò huyết, ông Út đã chuyển sang nuôi giống thủy sản này.
Ông Út chia sẻ: “Mỗi năm thả khoảng 400kg sò huyết giống, trung bình 8-12 tháng thì thu hoạch, sản lượng khoảng 2 tấn/năm. Sò huyết sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua với giá khoảng 150 ngàn đồng/kg (loại 60 con/kg). Mỗi năm, mô hình sò huyết cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, nhờ đó gia đình vươn lên thoát nghèo thành công”.
Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
Từ những mô hình sản xuất của nông dân ở Cà Mau, có thể thấy, hiệu quả kinh tế đều gắn với Chương trình XDNTM. Người dân được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn cây - con phù hợp, có thị trường tiêu thụ; việc lưu thông hàng hóa thuận lợi nhờ có đường giao thông được bê tông hóa... Từ các mô hình hiệu quả, bà con tăng thu nhập, tích cực đóng góp cho chương trình.
Bà Nguyễn Kiên Nhẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả là việc làm cần thiết, qua đó hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phương hướng, cách thức làm ăn mới, thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời, giúp bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tham gia tích cực vào công cuộc XDNTM”.
Nhằm đưa những tiến bộ kỹ thuật, sáng kiến, cách làm hay vào sản xuất, giúp cho người dân nâng cao năng suất và thu nhập, thời gian qua, Cà Mau tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, các bước tiến hành nhân rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giao lưu, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật mới.
Ngoài ra, để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất đạt hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau còn đẩy mạnh công tác chuyển giao qua hình thức trực tuyến trên mạng xã hội và website của tỉnh.
Kết quả, đến nay, nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng và đánh giá cao về hiệu quả kinh tế như mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa - tôm 2 giai đoạn, nuôi lươn không bùn, trồng cây dược liệu hữu cơ dưới tán rừng, chuyển đổi giống lúa chịu mặn ngắn ngày, cây gỗ lớn trên đất rừng sản xuất, xây dựng vùng nuôi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng…
Để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, thời gian tới, Cà Mau sẽ chủ động nắm bắt tình hình để phát hiện kịp thời đối tượng mới, mô hình mới, cách làm hay trên cơ sở khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình nhân rộng phù hợp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là hỗ trợ tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…
Đồng thời, tập trung phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn kết với tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt trong các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và thu nhập cho nông dân.
Năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ: xây dựng mô hình tôm lúa - hữu cơ quy mô 50ha theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041-8:2018 tại Thới Bình; phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ với quy mô 1.500ha theo tiêu chuẩn quốc tế và 50ha theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041:2017 ở Thới Bình, U Minh và Trần Văn Thời; xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ quy mô 5ha; xây dựng mô hình canh tác chuối xiêm hữu cơ quy mô 5ha ở U Minh và phát triển mô hình nuôi heo, gia cầm hữu cơ nông hộ, quy mô 60 con heo và 3.000 con gà ở U Minh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;