Học tập đạo đức HCM

Ngành nông nghiệp được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo

Thứ năm - 28/10/2021 19:55
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều 28/10.

Nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong đại dịch Covid-19 ngành nông nghiệp lại được nhắc đến như 1 trụ đỡ khi kinh tế chao đảo. Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Chín tháng năm 2021, mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỉ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan toả, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.

Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan toả ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy, phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP. Đây là một ngành kinh tế bao trùm đem lại thu nhập cho hàng chục triệu con người chứ không phải 1 nhóm người.

Từ câu chuyện trong đại dịch vừa rồi có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng chục triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn trong đại dịch, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương” so với nhiều ngành khác. Tôi nghĩ về sức sống của hàng chục triệu hộ nông dân. Đây là niềm tin để phát triển chiến lược “tam nông” căn cơ hơn.

Bình luận thêm về ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan rằng “cần nhìn nhận nông nghiệp là cấu trúc kinh tế xã hội không phải khái niệm đơn lẻ”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, tôi chia sẻ ý kiến này, vì tôi biết anh Lê Minh Hoan luôn có nhiều ý tưởng cải cách từ lúc ở địa phương. Đây là điều tôi chứng kiến khi thực hiện khảo sát xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 20 năm nay, Đồng Tháp luôn là địa phương trong TOP đầu xếp hạng PCI với các dấu ấn về cải cách, gắn kết bà con nông dân với nhiều chương trình, sáng kiến như: Cà phê doanh nhân…

Có thể nói, đất nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Người Việt Nam phần lớn sinh ra từ nông thôn, đây là nền tảng gốc rễ xã hội Việt Nam. Quá trình công nghiệp hoá là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin (IT)…


 Bộ Nông nghiệp và PTNT tự tin kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 42,5 tỷ USD.

Trong thời gian qua, nông nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp cho GDP, nhưng quan trọng nhất là dư địa của ngành nông nghiệp còn vô cùng lớn, nhưng cũng còn không ít thiếu sót cần khắc phục để tạo ra năng lực cạnh tranh mới.

Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.

Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy, nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động, sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Sau này, chưa rõ họ có quay lại khu vực công nghiệp hay không, nhưng giai đoạn này có thể khẳng định, nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn.

Kim ngạch xuất khẩu tự tin đạt 42,5 tỷ USD

Trả lời câu hỏi, tổng kim ngạch xuất khẩu hiện nay là 35,5 tỷ USD, vậy có còn dư địa để tăng con số này lên trong thời gian từ nay đến cuối năm không?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sơ bộ làm việc với các hiệp hội, ngành hàng liên quan đến xuất khẩu, chúng tôi rất tự tin sẽ đạt được kế hoạch đặt ra 42,5 tỷ USD. Tuy nhiên, điều này còn lệ thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.

Mục tiêu của Chính phủ mở cửa nền kinh tế, phục hồi phát triển kinh tế cũng sẽ gặp một vài khó khăn khi dịch bùng phát tại một số địa phương. Hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ lần này, cùng với sự chủ động của các địa phương, tôi nghĩ rằng đây là điểm tựa cho các doanh nghiệp có liên quan đến xuất khẩu có niềm tin để tái khởi động lại. 

Về mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2021 mà Bộ đề ra từ 2,5-2,8% có cán được đích?, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, qua khảo sát sơ bộ đánh giá đối với từng ngành hàng, từng địa phương và làm việc với Tổng cục Thống kê, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng của ngành sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta. Qua đó để thấy dư địa của chúng ta, mặc dù đang ở giai đoạn chống chọi với dịch bệnh, ngay cả ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn như chi phí đầu vào tăng, những biến cố thị trường, đứt gãy logistic cung ứng thế giới… nhưng dư địa chúng ta còn và chúng ta có niềm tin.


 Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản trong nước đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, mang lại giá trị kinh tế cao.

Trong bối cảnh đó, những bước đi của ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2021-2025 với tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn sắp tới, không phải quy hoạch lại ngành này hay ngành kia, tăng ngành này giảm ngành kia mà chính là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.

Đã đến lúc cần phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỉ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vì, đã có nhiều nghiên cứu, bản thân xã hội cũng là nguồn lực, bản thân văn hóa cũng là nguồn lực… Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp; nếu trong “bình thường mới” tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng lẩn quẩn.

Nhiều khi chúng ta hào hứng quá

Liên quan đến việc cần thay đổi chiến lược xuất khẩu theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị giá tăng? 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi còn là lãnh đạo tỉnh, tôi là người truyền thông việc đẩy container xoài đầu tiên qua thị trường Mỹ, rất là thú vị, sau đó bán được giá cao. Người Việt ở nước ngoài chụp ảnh xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị nước ngoài hay lâu lâu chúng ta vẫn thấy các loại quả khác như: nhãn, vải, thanh long,… Vui thật, cảm xúc thật nhưng buồn lắm!

Hôm qua, khi họp trực tuyến với 27 đại sứ của mình ở Liên minh châu Âu, tôi mới phát hiện nông sản mình bán ra ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, đa phần bán ở cửa hàng người gốc Á như người Việt, người Thái Lan.

Trong chuyến công du châu Âu với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều đại sứ cho biết, thanh long Việt Nam bán ở cửa hàng Thái Lan, nghĩa là chúng ta chưa đi đàng hoàng đường bệ mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro, hoặc bán trong cộng đồng người Việt.

Khi đưa được vào hệ thống phân phối chính quy của họ thì mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản của quốc gia. Chúng ta đưa vào đó được thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến.

Truyền thông giúp chúng tôi đẩy cảm xúc, nhiều khi chúng ta hào hứng quá, quên có những vấn đề, có những rủi ro phía sau. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, phải có chiến lược hẳn hoi, phải mất nhiều năm nữa, không chỉ mới vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp mà nói là chúng ta đã chiếm được thị trường. Một Đại sứ ở EU đã nói rằng, nông sản VN mới đạt 1% trong tỉ trọng nhập khẩu nông sản của EU mà lại bán ở cửa hàng gốc Á.

Tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 28/10.

Nhận định về giải pháp căn cơ cho ngành nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, nền nông nghiệp có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công, giống nhập, phân bón nhập, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu nhập, có một số ngành 80-90% nhập nước ngoài nên giá trị gia tăng nông nghiệp không cao, thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh chưa vào được phân khúc cao thị trường.

Với điều kiện tự nhiên nước ta, có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng, nên phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn.

Hiện tại, các DN FDI chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, nhưng sữa thì các DN Việt chiếm lĩnh thị trường khá tốt.

Vấn đề là tương quan với các DN FDI. Các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu phải chăng người Việt phải giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị tăng cao hơn cho Việt Nam.

Về xuất khẩu ra thế giới, công tác truyền thông tốt, nhưng chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ, mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng.

Áp dụng '6 từ khóa' trong tái cơ cấu nông nghiệp
 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, sau khi thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại Đồng Tháp, ông đã rút ra “6 từ khóa” để ứng dụng cho Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030.
 
6 từ khóa đó là: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm chi phí – Tăng chất lượng – Đa dạng hoá sản phẩm”.

Hợp tác là người sản xuất phải hợp tác với nhau. “Không thể để 18,5 triệu hộ nông dân mạnh ai nấy làm, đèn nhà ai nhà nấy sáng. Nếu như vậy sẽ rơi vào cái bẫy gọi là 'giải cứu nông sản'. Khi chúng ta cứ bán cái chúng ta có chứ không phải cái thị trường cần thì vẫn 'sản xuất mù mờ' và sẽ dẫn tới giải cứu nông sản”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Thứ hai, cần phải liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Nhưng theo Bộ trưởng, dù sản xuất hay kinh doanh thì phải hiểu tiêu chí thị trường mới là yếu tố quyết định cho sản xuất. Chính vì thiếu liên kết chuỗi nên sản lượng và thị trường không song hành với nhau. Đặc biệt, số lượng nông sản từng thời điểm nếu bị tăng quá cao so với nhu cầu thị trường thì chắc chắn giá sẽ giảm rất sâu, thậm chí không bán được. Không những vậy, thiếu liên kết chuỗi sẽ dẫn tới thiếu niềm tin cho khách hàng. “Nhiều khi chính người Việt còn quay lưng với nông sản nội địa vì không truy xuất được nguồn gốc, người mua cũng lo liệu sản phẩm nông sản này có thuốc trừ sâu hay không”, Bộ trưởng nêu tâm lý chung. Chính vì vậy việc lấy lại niềm tin trên thị trường là rất quan trọng.

Việc giảm chi phí được Tư lệnh ngành nông nghiệp đặt song hành với việc tăng chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. “Hiện tại, chúng ta đang bán thô là chủ yếu, giá trị không cao, tăng chi phí nhiều”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đúc kết.

Cùng với 6 từ khóa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết sẽ có những chính sách để tiếp cận những mô hình nông nghiệp mới như: Nông nghiệp 4.0; nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp trách nhiệm; nông nghiệp cân bằng phát thải…

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh xu hướng tiêu dùng xanh sẽ dần dần chi phối thị trường nông sản và thương mại toàn cầu. “Trước người ta chỉ muốn ăn ngon, sau đó phải vừa ngon vừa sạch nhưng bây giờ xu hướng phải là nông nghiệp xanh, có trách nhiệm… Câu chuyện đó sẽ xoay trục tiêu dùng nông sản. Chúng ta không thể lủi thủi làm theo kiểu cũ được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT đang thực hiện ở giai đoạn cuối cùng là tham vấn các tổ chức quốc tế để hoàn thiện trình Chính phủ vào cuối quý IV năm nay.

Theo Bộ trưởng, đây là một chiến lược dài hạn chứ không chỉ là kế hoạch sản xuất chỉ xây dựng hằng năm hoặc 5 năm một lần.

Theo Hoàng Văn/kinhtenongthon.vn
https://kinhtenongthon.vn/nganh-nong-nghiep-duoc-nhac-den-nhu-mot-tru-do-khi-kinh-te-chao-dao-post46402.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập157
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay37,744
  • Tháng hiện tại847,373
  • Tổng lượt truy cập85,754,409
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây