Khoai mài theo Đông y là vị thuốc có tên hoài sơn. Cây khoai mài mọc trong rừng tự nhiên nên củ mài thường ăn sâu dưới lòng đất khiến cho những người đào củ mài thường hay gặp các rủi ro, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Mùa trồng khoai mài bắt đầu từ tháng chạp (âm lịch). Đến tháng 2, tháng 3, hạt mới nẩy chồi. Qua thời gian sinh trưởng từ 9 - 10 tháng khi thân cây héo dần, lá rụng là lúc đó báo hiệu một chu kỳ phát triển kết thúc và cho thu hoạch.
Kỹ thuật trồng khoai mài khá đơn giản, chăm sóc dễ dàng, nhân công ít, vốn đầu tư thấp nhưng lại cho thu nhập cao hơn so với trồng cây rừng, cây ăn quả hay chăn nuôi. Khoai mài thích hợp với thổ nhưỡng đất rừng có nhiều chất mùn và độ dốc thoai thoải, củ không ưa nước, trồng giống như khoai lang. Người dân tận dụng đất giữa các hàng thông, keo trong vườn đồi, vét thành luống với độ sâu vừa phải, phía dưới trải một lớp vỏ bao xi măng để hạn chế củ mọc sâu xuống đất, sau đó bón lót bằng phân chuồng và phân lân, kali, đạm rồi gieo hạt xuống và lấp đất kín hạt giống. Phía trên luống phủ rơm, rạ, cây khô có tác dụng hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần làm cỏ và vun gốc cho cây.
Ông Nguyễn Đức Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang cho hay: Thời gian trước trong xã chỉ có vài hộ đem cây khoai mài về trồng trên vườn đồi với diện tích nhỏ lẻ. Thấy được hiệu quả kinh tế nên hiện nay trong toàn xã có hơn 30 hộ dân trồng khoai mài, tăng diện tích lên 5 ha. Chính quyền xã có một số chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây trồng này, trở thành cây đặc sản của địa phương.
Đặc biệt, các hộ sản xuất khoai mài trong xã Sơn Giang đã thành lập Tổ hợp tác Khoai mài Sơn Giang, cùng nhau trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, năng cao năng suất, chất lượng; đồng thời liên kết trong sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Bùi Công Nhân - Tổ trưởng Tổ hợp tác Khoai mài Sơn Giang - Hương Sơn cho hay: Không chỉ trồng trên đất đồi núi, hiện chúng tôi trồng thử nghiệm trên đất trồng màu, có che phủ ni lông. Trồng trên đất màu thuận lợi hơn rất nhiều, giảm được nhiều công sức khi trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Bình quân mỗi m2 đất trồng khoai mài cho thu hoạch từ 1,5 - 2 kg củ. Với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/kg thì 1 sào 500m2 trồng khoai mài mang lại thu nhập cho người dân 40 - 50 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với trồng cây rừng phải hơn 10 năm mới cho khai thác, trồng keo lấy gỗ hơn 5 năm cũng chỉ cho thu nhập 8 - 10 triệu đồng/năm.
Khoai mài sau khi được thu hoạch có thể dùng tươi, hoặc cắt lát, phơi khô hay hiện nay được chế biến thành dạng tinh bột. Theo Đông y đây là vị thuốc trị các chứng tỳ hư, phế hư, thận hư với biểu hiện ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy, gầy còm mỏi mệt, ho lâu ngày, di tinh liệt dương, đái rắt tiểu ít, đái hạ (huyết trắng), đái tháo đường... Ngoài ra còn được sử dụng để chế biến thành các món ăn ưa thích như: cháo, canh, xôi, chè... là những món ăn bổ dưỡng.
Theo Trần Hà/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã