Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân
Theo báo cáo Hội ND tỉnh An Giang: Năm 2019, toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu trở thành hộ nông dân SXKD giỏi. Qua xét chọn đã công nhận hơn 83.000 cá nhân và 116 tập thể giỏi ở 3 cấp, tỉnh, huyện xã. Trong đó, cấp tỉnh 8.640 cá nhân và 49 tập thể, cấp huyện hơn 20.240 nông dân và cấp xã có 53.470 nông dân. Đáng chú ý, hơn 8.600 hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2019 đã có tổng doanh thu đạt trên 11.252 tỷ đồng.
Điểm son của những hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh ngoài có thu nhập cao từ sản xuất, các hộ nông dân này còn hướng dẫn giúp đỡ cho khoảng 324.000 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất và đóng góp xây dựng nông thôn mới trị giá gần 66,9 tỷ đồng.
Mô hình trồng lá tía tô xuất khẩu của nông dân giỏi Nguyễn Hoàng Duy Luân (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, An Giang). (ảnh Thái Sơn)
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: Xác định rõ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi là bước ngoặt phát triển kinh tế cho nông dân giúp cho hội viên nông dân tham gia thi đua sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng, hàng năm, các cấp Hội ND tỉnh An Giang đều tích cực phát động và triển khai phong trào.
“Điển hình năm 2019, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi được các cấp Hội ND tham mưu cấp ủy tổ chức long trọng Đại hội tuyên dương nông dân SXKD giỏi lần thứ XVIII, giai đoạn 2016 – 2019. Đại hội có sự tham hơn 500 đại biểu là nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh và 21 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu nhất của tỉnh” - ông Nhiên thông tin.
Theo Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang: Mỗi đại biểu về dự đại hội có doanh thu từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng và xuất hiện nhiều gương mặt tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Ông Nguyễn Hoàng Duy Luân (ở ấp An Quới, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) với mô hình trồng rau tía tô xuất khẩu Hàn Quốc. Với diện tích sản xuất 2,7ha, ông đã liên kết, vận động nông dân trong vùng để mở rộng quy mô lên 20ha. Mỗi tháng cho thu hoạch từ 100 - 200 tấn lá với doanh thu 3 tỷ đồng/năm.
Hay ông Nguyễn Long Định (ở ấp An Thạnh, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) với mô hình kinh tế vườn, diện tích sản xuất 1,8ha doanh thu trên 2,2 tỷ đồng/năm; ông Tôn Thất Đính (ở ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên) làm mô hình kinh tế vườn với diện tích sản xuất 1,5ha, doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; bà Nguyễn Thị Lệ Thủy (ở ấp Tân Thành, xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên) với mô hình sản xuất lúa - màu với diện tích sản xuất 9ha, doanh thu 1,5 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Lợi Đức (ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) với mô hình trồng chuối cấy mô kết hợp chăn nuôi bò, doanh thu đạt 9,850 tỷ đồng/năm...
Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất
Qua kết quả xét chọn nông dân SXKD giỏi hàng năm cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp đã thay đổi đáng kể. Mô hình độc canh lúa giảm 0,6%, các mô hình làm vườn, đa canh, trang trại và xây dựng nông thôn tăng cao. Nông dân An Giang đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hoá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả ngày càng lan tỏa và được nhân rộng, giúp nông dân vượt qua khó khăn, vươn lên khá, giàu, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà”. Ông Nguyễn Văn Nhiên – Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang |
Điển hình như Hội ND TP.Long Xuyên tuyên truyền vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa, góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Thực hiện đề án chuyển dịch đất trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn quả, gắn với du lịch sinh thái xã Mỹ Hòa Hưng giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2030, Hội ND đã vận động hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi 7,02ha đất trồng lúa sang trồng xoài Cát Chu, liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty sản xuất chế biến Thuận Phong; 90ha trồng Xoài Cát Hòa Lộc liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty Kim Nhung; xây dựng 2 hệ thống thủy lợi vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng để từng bước hình thành các vùng chuyên canh.
Với những kết quả đạt được, Hội ND tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 các cấp Hội phải thực sự là trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình “Hội quán nông dân” – nơi bà con nông dân trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm sản xuất cũng như cách làm hay trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà các hộ nông dân SXKD giỏi làm nòng cốt.
Theo Đức Thịnh/danviet.vn
http://danviet.vn/nong-thon-moi/no-ro-ty-phu-nong-dan-tren-dat-an-giang-1085915.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã