Học tập đạo đức HCM

Tăng tốc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy

Thứ năm - 07/05/2020 18:40
HNP - Sáng 7/5, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” họp giao ban đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Chương trình số 02 và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Chương trình số 02-CTr/TU chủ trì hội nghị. Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố, Phó trưởng BCĐ Chương trình số 02-CTr/TU Nguyễn Văn Sửu; các đồng chí thành viên BCĐ, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của Nhân dân trong thực hiện 2 nhiệm vụ kép của Thành phố, đó là vừa chống dịch Covid-19, vừa triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và tổ chức đại hội đảng các cấp. Đến nay, Thành phố cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19. 
 
Các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân được triển khai tích cực. Đến nay, toàn Thành phố có có 353/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tăng 26 mô hình so với cuối năm 2019; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm 25% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp Thành phố. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố rất coi trọng, ưu tiên đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, mặc dù phải tập trung chống dịch Covid-19 nhưng Thành phố vẫn không tiết giảm kinh phí cho nhiệm vụ này. 
 
Tuy vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, lớn nhất là trong quý I năm nay, ngành nông nghiệp suy giảm 1,17% so với cùng kỳ. Tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, việc phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số nơi còn chưa đồng bộ; thu nhập bình quân của người nông dân, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở một số huyện còn thấp và tỷ lệ hộ nghèo ở một số huyện vẫn còn cao...
 
Trưởng BCĐ Chương trình 02-CTr/TU nêu rõ, trong 4 tháng đầu năm 2020, cả hệ thống chính trị Thành phố dồn sức chống dịch Covid-19. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm là thời gian phải tăng tốc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, bám sát để thực hiện các mục tiêu mà Thành phố đã đề ra là tăng trưởng ngành nông nghiệp trong năm nay đạt trên 4%; có 700 sản phẩm OCOP mới được đăng ký; có thêm 5 huyện được công nhận huyện nông thôn mới và hoàn thành toàn bộ 27 xã còn lại đạt nông thôn mới trong năm 2021.
 
Để thực hiện được nhiệm vụ này, các huyện, thị xã tiếp tục coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nhất để chăm lo đến đời sống người dân và lập thành tích để chào mừng đại hội đảng các cấp. Thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ này cũng là dịp để đánh giá cán bộ, để đội ngũ cán bộ khẳng định năng lực bản thân.
 
Nhấn mạnh phương châm "nhiệm vụ 1, quyết tâm 10 và giải pháp phải 20", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các huyện, thị xã phải lập kế hoạch hàng ngang, chỉ rõ từng việc gắn với phân công nhiệm vụ, có mốc thời gian hoàn thành cụ thể. Các đồng chí Phó Giám đốc Sở được phân công phụ trách lĩnh vực phải thực sự là tư lệnh ngành, nắm chắc và rõ từng vấn đề để tham mưu với Thành phố cũng như hướng dẫn cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Riêng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5/2020, phải trình UBND Thành phố để triển khai giải ngân gói hỗ trợ 700 tỷ đồng nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân.
 
Về những nhiệm vụ cụ thể trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, trọng tâm là những cây, con giống có giá trị kinh tế cao gắn với đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn trong năm 2020. “Từng huyện phải rà soát lại, xây dựng và xác định những sản phẩm chủ lực trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương để có định hướng, giải pháp phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu.
 
Đồng chí cũng đặc biệt yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút mạnh hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao và có quy mô lớn. Rà soát, kiểm tra lại quỹ đất để khai thác hiệu quả, không có diện tích bỏ hoang, gây lãng phí. Cùng với đó, các quận, huyện phải quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng, không để xảy ra vi phạm dẫn đến phải xử lý kỷ luật, mất cán bộ.
 
Trưởng BCĐ Chương trình 02 của Thành ủy lưu ý trong giai đoạn này, các huyện cần đẩy mạnh tái đàn, trước hết là đàn lợn. Chủ động chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông, tăng tỷ lệ các giống cây trồng có chất lượng cao để hướng đến xuất khẩu. Cùng với đó, quan tâm phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; kiểm soát giết mổ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động các giải pháp phòng, chống lụt bão, thiên tai...
 
Về nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu 8 huyện đăng ký trong năm nay phải rà soát lại toàn bộ tiêu chí để tập trung cao độ cho những tiêu chí chưa hoàn thành, nhất là về môi trường. Chậm nhất trong tháng 5 các đơn vị hoàn thành hồ sơ để Thành phố trình Trung ương trong tháng 6, phấn đấu có ít nhất 5 huyện, thị xã (Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Sơn Tây, Thạch Thất) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay, coi đó là thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp.
 
Đồng chí yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, hỗ trợ các huyện, xã trong công tác quy hoạch; Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, tháo gỡ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các huyện. Đẩy mạnh khuyến nông, khuyến công, nhất là các làng nghề; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thực hiện các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm, hỗ trợ nông dân... Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã khẩn trương, công khai, minh bạch và tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các gói trợ cấp an sinh xã hội của Chính phủ.
 
Về thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát những sản phẩm có tiềm năng của địa phương mình, có kế hoạch để quan tâm, thúc đẩy các sản phẩm OCOP, thông qua đó tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, trong quý I/2020, ngành nông nghiệp của Thành phố giảm 1,17% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do vẫn chịu tác động, của dịch tả lợn châu Phi khiến ngành chăn nuôi giảm 2,83%. Bên cạnh đó, việc gieo trồng vụ Đông cũng không đạt kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng toàn Thành phố là 28.691ha, bằng 83,67% so với cùng kỳ năm 2019...
 
Về xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn Thành phố có 353/382 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 92,4%) và 11 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 4 tháng đầu năm 2020, đoàn thẩm định của Thành phố tiến hành thẩm định đối với các xã để trình Thành phố công nhận đạt nông thôn mới trong năm 2020. Đối với 27 xã còn lại, có 20 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 7 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. 
 
Đối với kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền, khảo sát, phân loại các sản phẩm. Đến hết năm 2019, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 301 sản phẩm OCOP, trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao để đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Trong 4 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện, thị xã đã đăng ký 875 sản phẩm OCOP để Thành phố đánh giá.

Theo Nhóm PV/Hanoi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập192
  • Hôm nay10,699
  • Tháng hiện tại482,437
  • Tổng lượt truy cập92,860,101
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây