Nhờ phát huy được truyền thống bách nghệ của Xứ đoài, từ nhiều năm nay, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất - Hà Nội đã trở thành làng nghề sản xuất các đồ dùng mộc gỗ dân dụng sầm uất nhất khu vực, các hoạt động giao thương ở đây luôn tấp nập suốt ngày đêm, người và xe cộ lưu thông như mắc cửu, niềm vui đổi đời luôn rạng ngời trên khuôn mặt người dân sở tại.
Anh Phan Văn Tý – cán bộ tổng hợp văn phòng UNND xã Hữu Bằng cho biết: Tổng thu nhập từ sản xuất kinh doanh năm 2019 của xã đạt 755 tỷ đồng, bao gồm 65% nguồn thu từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, 27% từ du lịch, dịch vụ thương mại, thu nông nghiệp dưới 1%.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 0,03%, thu nhập bình quân nhân khẩu 80 triệu đồng/người/năm, xã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017.
Vẫn theo anh Tý, toàn xã Hữu Bằng có 4.500 hộ thì hơn 1.500 hộ chuyên nghề sản xuất các đồ dùng mộc gỗ dân dụng, đã giúp cho hơn 5.000 lao động tại chỗ có việc làm và thu nhập ổn định 6-12 triệu đồng/người/tháng, tuỳ theo tay nghề.
Khác với các làng nghề đồ gỗ nổi tiếng như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định) chủ yếu tạo ra những sản phẩm đục chạm tinh xảo, hướng tới xuất khẩu và tầng lớp người tiêu dùng thu nhập cao trong nước, thì những người thợ ở Hữu Bằng cơ bản chỉ sản xuất các mặt hàng giản tiện, hiện đại như giường, tủ, kệ, bàn ghế làm từ gỗ tự nhiên (lim, đinh, hương, sến, trò, gõ, sồi, cẩm thị, xoan đào) hoặc gỗ công nghiệp đệm mút xốp bọc da, nỉ (sofa), dùng trong nội thất gia đình và công sở, thuộc phân khúc thị trường bình dân.
Để có thể tạo ra những mặt hàng đồ gỗ rẻ và bền, hầu hết số hộ làm nghề ở Hữu Bằng đều đầu tư được các loại máy móc cho cơ giới hoá sản xuất như, máy cẩu, máy xẻ, máy cưa, máy bào, máy đục, máy khoan, máy bắn đinh xoáy vít, máy soi hèm, vam mộng và máy sơn gỗ PU.
Theo đó, đã giảm được các công việc sản xuất nặng nhọc, tăng năng suất lao động, nâng cao độ bền và hạ giá thành sản phẩm, gia tăng thu nhập.
Anh Phan Văn Cường (chủ hộ sản xuất đồ gỗ trong xã), 45 tuổi, đã có thâm niên làm đồ mộc gỗ gia dụng gần 30 năm, ngoài mang lại thu nhập cho gia đình 500 triệu đồng mỗi năm, anh còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động trong xã với mức lương quân bình 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo anh Cường, xu hướng người tiêu dùng hiện nay đã thay đổi, chỉ sử dụng đồ tới khi không còn hợp thời trang hoặc đã cũ, chứ không dùng tới lúc gẫy hỏng.
Vì các đồ gỗ bây giờ đều được soi hèm, nêm mộng bằng máy, kết hợp với keo gắn gỗ chuyên dụng, lại có sơn PU chống ẩm bên ngoài, nên rất bền và chắc chắn.
Do vậy những chủ nghề ở đây không chỉ chuyên tâm tạo ra nhiều sản phẩm, mà còn cập nhật và sáng tạo ra nhiều mẫu mã hàng hoá hợp thị hiếu khách hàng.
Ông Phan Văn Hưng, Trưởng thôn Bò (xã Hữu Bằng) tiết lộ: Nghề sản xuất các đồ mộc gỗ phát triển, đã thúc đẩy hình thành hơn 40 cơ sở tư nhân lớn chuyên cung ứng vật tư cho sản xuất tại làng nghề, chủ yếu là gỗ nhập khẩu các loại và một số đồ dùng phụ kiện khác, như đinh, kính, ốc vít, khoá cửa, bản lề, cưa, đục, giấy giáp, sơn PU.
Trên địa bàn xã cũng có 200 xe vận tải chạy điện tự chế, có thể chở được 1,5 tấn hàng/1 xe, chuyên dùng vận chuyển các mặt hàng gỗ tại địa phương, giúp tiết kiệm xăng dầu, giảm tiếng ồn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhằm tiêu thụ hết các sản phẩm làm ra, nhiều chủ thợ trên địa bàn, đã kết hợp với mở đại lý cung ứng đồ gỗ ở các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh), hoặc liên kết với các làng nghề khác trong cả nước, theo hướng chỉ tạo ra những thành phẩm cơ bản, vệ tinh tiêu thụ sẽ hoàn thiện sản phẩm cho người tiêu dùng.
Theo đó, có khá nhiều đồ gỗ ở Hữu Bằng như tủ đứng, tủ tường, giường, kệ được sản xuất dưới dạng mô đun (phân đoạn), đến tay người tiêu dùng sẽ lắp ghép tổng thành, rất thuận tiện cho vận chuyển, sửa chữa hoặc thay thế khi cần.
Ngoài nghề làm các đồ dùng mộc gỗ dân dụng, xã Hữu Bằng còn có nghề truyền thống sản xuất quần áo may sẵn. Hiện toàn xã đang có 60 hộ với 400 lao động chuyên làm nghề này. Quần áo may sẵn Hữu Bằng vốn đã nổi tiếng từ lâu, nên thường đưa vào được các sạp hàng ở nội thành Thủ đô.
Có thể nói sự phát triển kinh tế của Hữu Bằng là rất năng động, sáng tạo, tuy nhiên địa phương vẫn cần khắc phục nhanh một số tồn tại như, mật độ dân số quá cao, mặt bằng sản xuất chật hẹp, môi trường bị ô nhiễm khá nặng (chủ yếu bụi và tiếng ồn), hạ tầng giao thông cũng không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân...
Theo Hải Tiến/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã