Học tập đạo đức HCM

Sắc mới Đồng Sơn

Thứ sáu - 08/05/2020 03:32
Đến thời điểm này, xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn vẫn đang đứng trong tốp đầu của tỉnh về tỷ lệ hộ nghèo và tốp cuối về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.


 

Thi công đập tràn qua suối vào bản Xóm Mới.

Trong gian nan, thiếu thốn, khát vọng cùng nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng cuộc sống trù phú của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào dân tộc Mường, Dao nơi đây càng trở nên mãnh liệt, trân quý như những mầm xanh mạnh mẽ vươn mình trong sương gió vùng cao, đón nhận ánh nắng, chắt chiu dưỡng chất từ đất cằn để bung hoa, kết trái.

Chuyện vui, buồn Xóm Mới

Cách  trung tâm xã hơn 5 cây số, đường vào Xóm Mới, xã Đồng Sơn giờ đã được trải bê tông không còn cảnh ghập ghềnh đá hộc ngày nắng, bùn thụt trơn trượt ngày mưa. Tuy nhiên, để vượt qua những cung đường dốc núi dựng đứng, một bên vách núi sừng sững cây dại lòa xòa, bên kia vực sâu hun hút thì ngoài dân bản địa và giáo viên cắm bản, khách lạ phải là những tay lái cứng mới dám chạy xe vào bản. Lọt thỏm giữa bốn bề núi non bao bọc, đúng 50 năm trước, mảnh đất tương đối bằng phẳng ven suối được các hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên thượng nguồn suối Bòng (Phù Yên, Sơn La) lựa chọn an cư, lập ấp. Xóm Mới có tên từ ngày đó. Bao năm bám đất, bám rừng mưu sinh, từ 7 gia đình với chưa đầy 30 thành viên, bản người Dao hạ sơn giờ đã có 54 nóc nhà và gần 300 nhân khẩu. Theo như lời của Trưởng khu hành chính Lý Văn Lưu: Cuộc sống bà con dân bản còn khó khăn, vất vả lắm. Đất rừng tuy rộng nhưng thuộc quyền sử dụng của công ty lâm nghiệp và rừng phòng hộ đầu nguồn nên không thể xâm phạm, canh tác. Kinh phí từ gần 30ha rừng giao cho người dân bảo vệ hàng năm là tài sản chung của cả bản. Ngành nghề phụ không có, người dân Xóm Mới sống phụ thuộc cả vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy, trong khi diện tích lúa nước cấy hai vụ chỉ có 6ha lại ngày càng cằn cỗi, bạc màu. Sản lượng lương thực làm ra cũng chỉ đảm bảo cho các hộ dân không phải ăn đong mùa giáp hạt. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm mấy năm gần đây đã được người dân chú trọng nhưng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau dịch tả lợn châu Phi, đến nay cả bản mới gây lại được 37 con lợn, cùng với đó là đàn trâu, bò gần 80 con và đàn gia cầm mấy trăm con… chủ yếu phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm tại chỗ. Thu nhập phụ không có, 27 hộ dân của Xóm Mới thuộc diện hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 50%; 8 hộ thuộc diện cận nghèo…

Nhiều nhà xây khang trang đang được xây dựng thay thế các nếp nhà gỗ lụp xụp của người dân Xóm Mới.

Số liệu thống kê là thế, nhưng về thăm Xóm Mới hôm nay sẽ cảm nhận rất rõ những đổi thay vượt bậc trong đời sống người dân. Cùng với cung đường nối bản đã được đầu tư đổ bê tông, chiếc cầu tre bắc qua suối đang được xây dựng đập tràn kiên cố, nhà xây khang trang, to đẹp như biệt thự nơi phố thị xuất hiện ngày càng nhiều thay thế cho các mái tranh lụp xụp, ẩm thấp, mờ tối ngay giữa trưa nắng hè. Đầu năm nay, số lượng nhà xây mới tăng cao hơn hẳn mọi năm. Gặng hỏi mãi, Trưởng khu Lý Văn Lưu mới bộc bạch: Không chỉ thanh niên trai tráng mà người có sức khỏe trong bản giờ đều ra ngoài tìm việc, kiếm thêm thu nhập. Bình thường, bản chỉ còn trẻ nhỏ, người già. Phần lớn người lao động của bản lên Lạng Sơn nhận bốc vác hàng qua biên giới. Công việc nặng nhọc nhưng thu nhập khá cao, lại không đòi hỏi trình độ, học vấn. Năm nay, về nghỉ Tết cổ truyền dân tộc xong thì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp bùng phát, người dân không dám rời bản lên biên giới làm thuê nữa nên có thời gian sử dụng tiền tích lũy sửa sang, xây nhà mới…

Nghe chuyện, thấy mừng cho cuộc sống của người dân Xóm Mới đã có nhiều khởi sắc, đổi thay tích cực nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng với việc thoát nghèo ẩn chứa nhiều hệ lụy tiêu cực của việc ly hương kiếm việc bấp bênh nơi xứ lạ quê người. Mục tiêu giảm nghèo bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương “ly nông không ly hương” của người Dao Xóm Mới xem ra vẫn còn nhiều trắc trở, chưa thể sớm thành hiện thực.

                                                                               Xóm Mới Đồng Sơn.

Mục tiêu để ngỏ…

Đồng Sơn nghèo.! Cuộc sống khó khăn, vất vả không chỉ thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo 36,55% đứng trong tốp đầu của tỉnh, huyện mà hiện hữu rõ qua từng xóm nhỏ, nếp nhà với những gương mặt lam lũ, khắc khổ của người dân. Dựa cả vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy trong khi điều kiện tự nhiên không mấy ưu đãi, đất canh tác hạn chế nên dẫu cố gắng chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng hiệu quả kinh tế vẫn chưa được như mong muốn. Đến thời điểm này, thành tích đáng nể nhất của xã trong báo cáo hàng năm vẫn là tỷ lệ người dân tham gia BHYT luôn đạt ở mức gần tuyệt đối, năm vừa qua là 99,8%.! Tuy nhiên, con số lý tưởng này có được chủ yếu là do đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo của xã được hưởng chính sách hỗ trợ. Nói về chuyện này, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh Giáp cười buồn: “Sống giữa bạt ngàn đồi núi nhưng phần lớn diện tích đất lâm nghiệp thuộc quyền sử dụng của công ty lâm nghiệp. Diện tích đất rừng quy chủ của người dân rất ít. Năm vừa qua, cả xã trồng mới được 152,9ha rừng, trong đó có hơn 100ha dân tự trồng, gần 5ha trồng theo Chương trình dự án 30a. Ngành nghề phụ không có, các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển chậm, hướng thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân của xã vẫn được xác định tập trung vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao. Trong năm nay, xã phấn đấu trồng mới 220ha rừng tập trung, trong đó có 85ha rừng cây gỗ lớn, nâng thu nhập bình quân của người dân lên 20 triệu đồng/năm, giảm 4% hộ nghèo…”.

Dẫu chưa được như mong muốn, nhưng hướng phát triển tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của Đồng Sơn mấy năm qua đã mang lại hiệu quả bước đầu tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản của xã chiếm tới 91%. Giá trị sản phẩm bình quân mỗi ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 48 triệu đồng. Cùng với cây lúa, cây ngô, người dân trong xã đã tích cực gieo trồng rau xanh nâng cao thu nhập. 5,5ha đất đồi được trồng chè cho nguồn thu ổn định mỗi năm. Nhiều gia đình trong xã đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả nhờ phát triển mô hình kinh tế gia trại kết hợp chăn nuôi, trồng trọt… Tận dụng các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng kinh tế của Đồng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực với các tuyến giao thông nông thôn được cứng hóa, nhà văn hóa, trạm y tế, trường học… được xây mới khang trang đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Mục tiêu lớn của người dân Đồng Sơn hiện giờ là hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Được tuyên truyền, vận động, người dân hiểu rất rõ vai trò chủ thể của mình và rất tích cực, chủ động chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền xã xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, các hoạt động đóng góp mới chỉ dừng lại ở tinh thần đồng thuận, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công… Đến nay, xã Đồng Sơn mới đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành thêm 3 tiêu chí, xây dựng 1 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới.

Xem ra mục tiêu lớn của Đồng Sơn sẽ khó thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án đầu tư hữu hiệu, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Quan trọng hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn chỉ thực sự hiện hữu khi Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây tìm ra hướng mở thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên đất quê để tập trung nguồn lực thực hiện…

Cẩm Ninh

Nguồn tin: nongthonmoiphutho.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập275
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay16,936
  • Tháng hiện tại488,674
  • Tổng lượt truy cập92,866,338
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây