Theo đánh giá của các chuyên gia, phần lớn diện tích đất của tỉnh Cà Mau đều có nguồn nước với chất lượng khá tốt đáp ứng cho nhu cầu phát triển nuôi tôm. Với trên 300.000 ha nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có trên 280.000 ha nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm năm 2020 đạt 220 nghìn tấn.
Tiềm năng để nuôi tôm hữu cơ của tỉnh Cà Mau, với mô hình tôm lúa, tôm rừng và tôm quảng canh đang được tỉnh triển khai tại một số vùng trọng điểm. Tiêu biểu là mô hình lúa tôm hiện đang duy trì được sản lượng lúa và tôm đóng góp rất lớn vào thu nhập của nông dân. Quan trọng nhất là sản phẩm đầu ra hạt lúa, con tôm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chia sẻ: Mô hình tôm lúa phát triển rất bền vững. Đặc biệt phù hợp với địa bàn huyện Thới Bình không giáp biển. Hằng năm tận dụng vào mùa mưa nông dân sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh, mùa nắng thì nuôi tôm sú để nuôi luân phiên 2 đến 3 vụ. Những mô hình này thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cà Mau hiện có kế hoạch hỗ trợ các chuỗi để mô hình lúa tôm phát triển. Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian qua, tình hình nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi nhanh về cơ cấu sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng như: Ao trải bạt theo quy trình Biofloc, Semi-Biofloc, quy trình công nghệ nuôi hai giai đoạn, ba giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn nước khép kín góp phần tăng năng suất và sản lượng, cải thiện đời sống của người dân.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm Cà Mau vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra thường xuyên, môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm, hạn hán xâm nhập mặn xảy ra, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.
Theo ông Quang, thì hiện nay tỉnh Cà Mau có 4 mô hình nuôi tôm là: Tôm rừng, tôm quảng canh, tôm lúa và mô hình nuôi tôm công nghiệp siêu thâm canh. Tỉnh Cà Mau cần có quy hoạch tổng thể cho ngành tôm thì sản xuất cạnh tranh sẽ tốt hơn, bền vững hơn.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Bộ NN-PTNT, đánh giá: Đối với Cà Mau rất lợi thế về mô hình nuôi tôm hữu cơ. Hiện nay có rất nhiều nghiên cứu, các chế phẩm vi sinh để tạo độ dinh dưỡng và tăng cường quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Đặc biệt một số mô hình hiện nay có thể là sử dụng nguồn dinh dưỡng trong ruộng và bổ sung thêm thức ăn tự nhiên để tăng năng suất chất lượng sản phẩm tôm hữu cơ, bảo vệ được môi trường.
Tỉnh Cà Mau cũng đang có diện tích tôm lúa khá lớn, đây là mô hình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thuận thiên. Đồng thời, có giá thành đầu tư thấp, lại có lợi thế cạnh tranh tốt hơn những mô hình nuôi tôm khác hiện nay. Vì vậy, mô hình tôm lúa cần được quy hoạch và đầu tư đúng để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau khoảng 1 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 30% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Diện tích nuôi tôm của Cà Mau chiếm 45% diện tích nuôi tôm của khu vực ĐBSCL và chiếm 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Sản lượng tôm nuôi chiếm 29% sản lượng tôm ĐBSCL và chiếm 22% sản lượng tôm của cả nước.
Trọng Linh – Văn Vũ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã