Học tập đạo đức HCM

Hành trình “cất cánh” từ những sản phẩm OCOP

Thứ hai - 11/10/2021 11:35
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội để chắp cánh cho sản phẩm truyền thống “vươn xa”, góp phần đưa hàng nông sản từ "làng" ra "phố", nâng cao giá trị sản phẩm.
che.jpg
Cơ sở sản xuất chè lam Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc.
 

Thanh Hóa: Trợ lực đưa sản phẩm từ “làng” ra “phố”

Là chương trình kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh để gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã góp phần đưa 120 sản phẩm OCOP và hàng chục sản phẩm “tiền OCOP” từ các làng nghề, HTX, địa phương trong tỉnh tiến gần hơn với người tiêu dùng ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Với trợ lực từ chương trình, những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới của các địa phương đã dần khẳng định thương hiệu, tạo việc làm cho người lao động và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Cùng với triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã linh hoạt vận dụng các nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể sản xuất đánh thức những nghề truyền thống và phát triển thêm nhiều nghề mới. Đồng thời, tăng cường quảng bá, hỗ trợ để những sản phẩm vốn sinh ra từ làng tiếp cận với khách hàng ở nhiều thị trường khó tính. Sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã xuất hiện và tồn tại trên vùng đất Vĩnh Lộc hàng trăm năm, gắn với đời sống, tinh thần của người làng Cao Mật, xã Vĩnh Thành cũ, nay là thị trấn Vĩnh Lộc.

Tuy nhiên, sản phẩm chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu, cho biết: làng Cao Mật có nghề làm chè lam truyền thống, tuy nhiên, chủ yếu người dân làm để sử dụng trong gia đình, làm quà biếu dịp lễ, tết... Chè lam vùng đất Phủ Quảng của Vĩnh Lộc cũng đã có thương hiệu trên thị trường, song lượng tiêu thụ hằng năm khá khiêm tốn. Từ năm 2018, khi tỉnh, huyện triển khai Chương trình OCOP, gia đình nhận thấy đây chính là cơ hội để chắp cánh cho sản phẩm truyền thống “vươn xa”.

Được biết, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019 với chất lượng 3 sao, cơ sở sản xuất Lâm Thu đã đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì, sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Sản lượng tiêu thụ đạt 25 tấn/năm, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng/năm, tăng 20% so với trước khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, điểm nhấn đánh dấu sự vượt tầm không gian của sản phẩm chè lam Phủ Quảng chính là việc Siêu thị Co.opMart Thanh Hóa đã lựa chọn, đưa sản phẩm lên kệ tiêu dùng của đơn vị.

Ông Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần đưa những sản phẩm truyền thống của địa phương, có mặt ở những điểm, kênh kinh doanh tiêu dùng hiện đại, như: cửa hàng tiện ích, siêu thị và các trang thương mại điện tử. Hiện tại, 9/9 sản phẩm OCOP đã được công nhận của huyện đều có doanh số bán hàng tăng từ 20% trở lên so với trước khi tham gia chương trình; quy mô sản xuất, giá trị thương hiệu của sản phẩm đều được nâng lên. Đây chính là động lực để khơi nguồn cho hệ thống sản phẩm truyền thống có tiềm năng của địa phương tham gia chương trình.

Thực tế cho thấy Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo “làn gió mới” cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương; từ đó hình thành vùng, đơn vị sản xuất uy tín, có quy mô ứng dụng công nghệ kỹ thuật gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, văn phòng đã phối hợp với các địa phương, chủ thể ra mắt 14 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và các sản phẩm hàng hóa đặc trưng từ các vùng, miền. Đồng thời, tổ chức các hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP thu hút sự tham gia của nhiều HTX, doanh nghiệp, làng nghề, trang trại trong tỉnh. Thông qua các hội chợ quảng bá, hàng chục sản phẩm OCOP bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí đã được lựa chọn, bày bán tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử uy tín. Đây là thành công bước đầu trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh đó, quy định đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP sau 3 năm được công nhận chính là phép thử để các chủ thể tham gia chương trình không ngừng đổi mới, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hà Nội: Tạo “chỗ đứng” và giữ vững thương hiệu cho các sản phẩm OCOP

Năm 2021, Hà Nội có 541 sản phẩm của 26 đơn vị cấp huyện đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đi đôi với phát triển sản phẩm mới, thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát 1.054 sản phẩm đã được chứng nhận giai đoạn 2019-2020 nhằm phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu.

Thời điểm hiện tại, các đơn vị cấp huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang tiến hành đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 1 (cấp huyện). Trên cơ sở đánh giá đó, những sản phẩm đạt tiêu chí theo quy định sẽ được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm lần 2 và trình UBND thành phố quyết định kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố...

ubnd-huyen-quoc-oai-to-chuc.jpg
UBND huyện Quốc Oai tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021.

Tại huyện Quốc Oai, 31 sản phẩm tham gia dự thi đánh giá, phân hạng OCOP cấp huyện năm 2021 đều đạt tiêu chí đề nghị thành phố đánh giá lần 2 và công nhận sản phẩm OCOP năm 2021.

Xã Tân Phú (huyện Quốc Oai) có 11 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được đề nghị chấm điểm 4 sao. Tự hào với kết quả trên, nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn (xã Tân Phú) cho biết: "Xã tôi có nghề mộc truyền thống. Các sản phẩm được tham gia đánh giá, phân hạng OCOP là minh chứng cho chất lượng và thương hiệu của làng nghề".

Để đạt được kết quả, các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã phải nỗ lực rất lớn để khắc phục những hạn chế, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí.

Anh Vương Đắc Thỏa, hộ sản xuất miến Long Vũ (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai) cho biết: "Có chứng nhận về chất lượng sản phẩm nhưng chúng tôi chưa biết in vào tem nhãn để người tiêu dùng tin tưởng. Miến dong làng So, xã Cộng Hòa ngon nổi tiếng nhưng chúng tôi chưa biết viết “câu chuyện sản phẩm” để cuốn hút khách hàng... Đó là những hạn chế chúng tôi đã nhận ra khi tham gia Chương trình OCOP”.

Đánh giá về các sản phẩm dự thi Chương trình OCOP năm 2021, Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà Kinh Bắc (đơn vị tư vấn cho các chủ thể) Vương Thị Kim Thắm cho biết: Điểm yếu của các chủ thể tham gia Chương trình OCOP là chưa chú trọng đầu tư nhiều cho mẫu mã, bao bì sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi đã hỗ trợ các chủ thể thiết kế, in tem nhãn bao bì mới hiện đại, có tính thẩm mỹ và hướng dẫn các chủ thể sắp xếp, hoàn thiện hồ sơ chứng minh chất lượng sản phẩm...

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, năm 2021, Hà Nội có 541 sản phẩm của 26 đơn vị cấp huyện đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Đến nay đã có 2 huyện triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần 1 năm 2021 là Hoài Đức và Quốc Oai, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều đạt 3 sao và 4 sao, không có sản phẩm không đạt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, năm 2021, huyện Quốc Oai đã hỗ trợ các chủ thể thuê tư vấn hoàn thiện hồ sơ để dự thi sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho 50 chủ thể về Chương trình OCOP, các quy trình chuẩn bị hồ sơ thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm…

Còn tại huyện Phú Xuyên, Trưởng phòng Kinh tế Lê Tiến Xuân cho biết: Năm 2021, huyện phấn đấu có thêm 40 sản phẩm được đánh giá, phân hạng. Để hoàn thành mục tiêu, huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ từ huyện đến cơ sở; hướng dẫn các chủ thể về hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Địa phương cũng duy trì lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống, kêu gọi đầu tư hệ thống kho bãi, vận chuyển... và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Đối với 1.054 sản phẩm OCOP đã được công nhận, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm OCOP và hỗ trợ in tem OCOP năm 2021. Hỗ trợ này nhằm xây dựng và cải tiến nhãn hiệu, nhãn mác trên bao bì sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng và các nhà phân phối nhận diện, phân biệt các sản phẩm OCOP Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, tới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ kiểm tra tất cả chủ thể có sản phẩm OCOP đã được thành phố công nhận. Các nội dung kiểm tra gồm: Việc tuân thủ các quy định về sử dụng tem, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan đến tiêu chí sản phẩm... nhằm nâng cao chất lượng và xử lý nghiêm các vi phạm giúp giữ vững thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.

Bắc Ninh: Hành trình đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Khởi nghiệp từ năm 2015 vốn là một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ quả bồ kết: dầu gội, cao bồ kết, bồ kết túi lọc…sau hơn 6 năm nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ…Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết của chị Vũ Thị Thu ở thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo (Gia Bình) từng bước tạo dựng uy tín, mở rộng thị trường, khẳng định vị thế với 18 sản phẩm chăm sóc tóc, da mặt, răng miệng, cơ thể… có nguồn gốc từ các loại thảo dược truyền thống, trong đó 8 sản phẩm đang đề nghị công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.

Từng tốt nghiệp khoa Marketing, trường Đại học Thương mại nhưng niềm đam mê với các sản phẩm thuần Việt, lưu giữ lại nét xưa của ông cha đưa Vũ Thị Thu trở về quê hương để sinh sống và lập nghiệp.

Trao đổi về quá trình khởi nghiệp, Thu vui vẻ cho biết: “Trong khi nghiên cứu, tìm đầu ra cho một số nông sản của gia đình, tôi biết đến nông nghiệp hữu cơ và nhận thấy nhu cầu rất lớn về các sản phẩm tự nhiên, an toàn và sạch. Lúc đó tôi suy nghĩ: Một sản phẩm mới được kết hợp từ các nguyên liệu truyền thống với những cải tiến trong cách sử dụng sẽ được thị trường đón nhận. Bồ kết là cái tên lóe lên trong đầu và ngay lập tức, tôi tập trung thời gian để tìm hiểu về loại quả này. Trong ký ức của tôi, trái bồ kết gợi nhớ hình ảnh của các bà, các mẹ sử dụng để gội đầu. Qua tìm hiểu kinh nghiệm dân gian và một số nghiên cứu khoa học về chiết xuất các sản phẩm tự nhiên, tôi bắt đầu sản xuất các sản phẩm từ bồ kết với số vốn ban đầu chưa đầy 10 triệu đồng”.

Năm đầu tiên với Vũ Thị Thu là quãng thời gian đầy khó khăn, nhiều lần thử nghiệm và thất bại. Trước hết, là khó khăn khi đi tìm nguồn nguyên liệu.

cong-nhan.jpg
Công nhân Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết sản xuất sản phẩm dầu gội bồ kết.

Những cây bồ kết vốn không còn được trồng nhiều tại vùng nông thôn. Vào chính vụ, thu mua bồ kết đã khó. Thời điểm chị Thu bắt đầu làm vừa qua vụ chính, nên càng khó khăn hơn. Nghe nói nhà nào có cây bồ kết, Thu đều tìm đến và gom từng ký một. Rồi đến những nguyên liệu đi kèm như hương nhu, thảo hương… để đa dạng hóa sản phẩm. Mỗi lần thất bại là một lần học hỏi, rút kinh nghiệm. Những ngày vật lộn với những mẻ nguyên liệu bị hỏng, chưa đạt chuẩn về độ mượt và thơm giúp Thu quan sát kỹ khâu bảo quản, vận hành máy móc, kết hợp nguyên liệu…

Kiên trì và quyết tâm không bỏ cuộc là những gì Vũ Thị Thu tự nhủ trong lòng để vượt qua khó khăn. Muốn sản xuất thành công, mình phải chủ động được nguồn nguyên liệu, vì thế Thu bắt đầu ươm cây tại khu vườn nhỏ diện tích 400m2. Thời gian đầu, khi đưa giống hương thảo, xạ hương về trồng Thu gặp khó khăn bởi đây là cây ưa khí hậu mát mẻ của Đà Lạt nên bị chết rất nhiều. Dần dần, Thu thuê đất của người dân trong làng và mở rộng diện tích lên 7.500m2 trồng các cây thảo dược như hương nhu trắng, hương nhu tía; cây hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới… phục vụ sản xuất bột tắm thảo dược; nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết, tinh dầu bưởi… Nhờ vậy, các sản phẩm ngày càng đa dạng, thân thiện với môi trường và tốt cho người sử dụng.

Đầu năm 2018, Vũ Thị Thu thành lập Công ty TNHH dược liệu Việt Kết, đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị hiện đại gồm kho lạnh, máy rang bằng điện, máy nghiền thô, nghiền mịn và siêu mịn, máy trộn bột tắm, bột bồ kết, dây chuyền nồi hầm, máy vắt, nồi cô sệt, máy đóng trà túi lọc dùng 1 lần, máy làm tinh dầu… Công ty TNHH dược liệu Việt Kết sản xuất thành công, cung ứng ra thị trường được 18 sản phẩm 100% tự nhiên. Đơn cử như cao bồ kết, dầu gội bồ kết hà thủ ô, bồ kết túi lọc, bồ kết khô; bồ kết tách hạt, bột tắm thảo dược, dung dịch vệ sinh lá trầu không và tinh dầu hương thảo, hương nhu. Các sản phẩm của Công ty được cung ứng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó 2 thị trường lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại, Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm ổn định cho 6-8 công nhân với thu nhập trung bình 5-8 triệu đồng/ tháng. Trong số 18 sản phẩm mà Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết cung ứng ra thị trường có 8 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh năm 2021. Hiện tại, các sản phẩm đều hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận vào cuối năm nay. Việc được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh chắc chắn sẽ là đòn bẩy, cơ hội để Công ty tiếp tục phát triển, sản phẩm tiếp tục vươn xa đến với khách hàng ở khắp mọi miền tổ quốc.

 Thanh Tâm (T/h)/https://kinhtenongthon.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập477
  • Hôm nay49,635
  • Tháng hiện tại708,962
  • Tổng lượt truy cập93,086,626
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây