Học tập đạo đức HCM

Đất chết hồi sinh: Những người đàn bà... liều lĩnh

Thứ tư - 20/08/2014 22:08
Cách đây 24 năm, có 10 hộ dân đầu tiên xung phong nhận nhiệm vụ vào sống, chăm sóc, bảo vệ rừng Cần Giờ. Trong số này, có 2 người phụ nữ "đơn thân" và đều có một đàn con 5-6 đứa.

Bà Ba Hồng và cháu nội út trước căn nhà trong rừng Cần Giờ

 

Rừng Cần Giờ (TP. HCM) đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” đầu tiên tại Việt Nam. Ấy là nhờ có hàng trăm người dân, kiểm lâm ngày đêm chăm sóc, bảo vệ từ mấy chục năm nay.

Cách đây 24 năm, có 10 hộ dân đầu tiên xung phong nhận nhiệm vụ vào sống, chăm sóc, bảo vệ rừng Cần Giờ. Trong số này, có 2 người phụ nữ "đơn thân" và đều có một đàn con 5-6 đứa.

Họ có nhiều điểm chung như cùng gieo hạt trồng rừng, cùng “liều lĩnh” dắt đàn con vào rừng sống, và cùng ngăn cản lâm tặc bằng câu: “Đói thì tôi chia sẻ chứ đừng cướp chén cơm của mẹ con tôi”.

KÝ ỨC ƯƠM HẠT

Căn nhà đầu tiên chúng tôi đến nằm ở phân khu 3, tiểu khu 4B của rừng phòng hộ Cần Giờ. Chủ nhân là bà Đinh Thị Hồng (Ba Hồng), năm nay 65 tuổi. Bà Ba Hồng là 1 trong 10 hộ đầu tiên vào rừng nhận khoán giữ rừng năm 1990.

Trước đó, từ những năm 1980, bà đã là một trong những người đầu tiên góp sức trẻ, thời gian để trồng rừng, biến vùng đất trắng thành màu xanh ngắt, mênh mông của những cánh rừng hôm nay.

Trong ngôi nhà xây khá khang trang giữa rừng, bà Ba Hồng nhớ lại những ngày đi trồng rừng: Hồi đó, vô cùng cực khổ, mỗi chuyến đi trồng rừng từ 10 ngày đến nửa tháng. Tôi nhận diện tích, rồi thuê nhân công. Đến mỗi nơi trồng, việc đầu tiên là dựng chòi. Vì tất cả đều bị ngập khi nước lên nên mọi người phải lấy đất đắp cao lên, sau đó trải vải nhựa xuống, rồi mới dựng chòi.

Hồi đó, đoàn viên, thanh niên tham gia đông lắm. Đêm ngủ chia thành 2 dãy, nam, nữ riêng. Để tụi trẻ có hứng thú làm, tôi chia thành từng tổ, rồi thi đua, tổ nào làm nhanh, làm tốt sẽ có thưởng, sau giờ làm việc lại tổ chức văn nghệ, thi hát hò… Tụi trẻ làm không biết mệt. Sau mỗi chuyến đi rừng như thế, lại có vài đôi nên vợ chồng.

 

Căn nhà của bà Ba Hồng do nhà nước xây khá khang trang


Ngồi trò chuyện tôi mới biết, anh Trần Minh Tùng, con trai bà Ba Hồng, nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lắng, từ những ngày đi trồng rừng ấy. Nay, anh chị đã có 3 đứa con khôi ngô, trong đó 2 đứa đang học cao đẳng trên thành phố, cậu út cũng đang học cấp 1 ở xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ.

 

Nói về quyết định dắt đàn con vào rừng sống năm 1990, bà Hồng cho biết: Tôi đi bởi vì những cánh rừng này do chính tôi gieo hạt. Nhiều năm sống, ăn ngủ trong rừng, tôi quen rồi. Lúc đó tôi lo nhất là vào đây các con sống ra sao. Nhưng mấy đứa nhỏ động viên, bảo nếu mẹ muốn đi thì tụi con ủng hộ.

Nói về những ngày đầu làm “người rừng”, bà Hồng kể: Hồi mới vào đây, cực khổ lắm chú ơi, điện không có, đêm phải đốt đèn dầu, nước ngọt thì phải chèo ghe trên sông Lòng Tàu đi mấy tiếng mới đến xã để mua. Hôm nào gặp gió ngược thì đi nửa ngày không đến nơi, sóng hơi lớn chút mà chèo không cẩn thận, lật ghe như chơi.

 

Anh Trần Minh Tùng, con trai bà Ba Hồng, còn nuôi thêm ốc len


Gia đình bà Hồng hiện đang nhận chăm sóc 191 ha rừng, mỗi năm gia đình bà được Nhà nước trả hơn 220 triệu đồng. Ngoài ra, anh Trần Minh Tùng, con trai bà Hồng còn nuôi thêm ốc len, mỗi năm cũng thu được hơn trăm triệu. “So với ngày xưa mới vào, thế là tốt lắm rồi chú ạ”, anh Tùng nói.

 

NGĂN LÂM TẶC BẰNG TÌNH CẢM

Cách nhà bà Ba Hồng vài cây số là nhà bà Nguyễn Kim Hoàng (Tư Hoàng), một phụ nữ có hoàn cảnh giống bà Ba Hồng, một mình nuôi 5 đứa con, cũng là người đã gần trọn đời sống với rừng, cùng đàn con vào rừng từ năm 1990 đến nay.

 

Bà Tư Hoàng

 

“Tụi tôi thành “người rừng” thật rồi chú ạ. Giờ mấy đứa nhỏ thỉnh thoảng còn về xã, chứ tôi thì có khi cả năm chẳng đi đâu. Mỗi khi có dịp về phố, cứ lơ nga lơ ngơ. Thấy lạ lắm. Mấy lần về thị trấn thăm con, đêm không thể ngủ được. Vì tiếng xe cộ, ồn ào. Ở rừng nghe âm thanh của rừng, của sông quen rồi. Giờ không thể xa rừng”, đó là những lời trần tình rất thật của 2 bà Ba Hồng và Tư Hoàng.

Nhìn dáng cao gầy, nước da hồng hào, săn chắc, ít ai nghĩ năm nay bà Tư Hoàng đã 66 tuổi. “Tôi mới thôi hợp đồng giữ rừng cách đây 2 năm. Tôi còn khỏe, vẫn muốn làm tiếp, nhưng mấy ảnh nói tôi già rồi, làm chi cho cực”, bà Tư Hoàng cười bảo.

Hiện bà Tư Hoàng đã giao lại hợp đồng chăm sóc 245,7 ha rừng cho người con trai thứ 4 là Nguyễn Thành Trung. Anh Trung cho biết, mỗi năm, thu nhập từ lương giữ rừng khoảng 280 triệu chưa trừ chi phí, thuế. Ngoài ra, anh còn có 2 ao nuôi các loại cá, cuộc sống khá tốt.

Biết mình phận đàn bà yếu đuối nên cả 2 người đàn bà đều có những “chiêu” giữ rừng không giống ai. Nghe tôi hỏi: “Đàn bà chân yếu tay mềm, làm sao ngăn được những người phá rừng?”, bà Ba Hồng trầm ngâm một lát rồi nói: Không có gì là không thể. Hồi đó hầu hết những người phá rừng đều nghèo khổ, có khi còn khổ hơn mình nên khi họ chặt cây, tụi tôi bắt nhưng không làm căng mà nói chuyện tình cảm với họ.

Thậm chí còn chia gạo, nước cho họ trước khi cho họ đi nữa. Tôi bảo họ, đây là chén cơm của gia đình, nếu anh chị phá rừng là chúng tôi nhịn. Rừng này là công sức của hàng ngàn người từ mấy chục năm nay, phá là mang tội lớn. Tôi chỉ muốn mai mốt lỡ có gặp nhau, mình tay bắt mặt mừng chứ không muốn thù ghét nhau.

 

Đây là căn nhà vách gỗ dựng từ ngày đầu mới vào rừng. Nay đã có nhà xây khang trang nhưng bà Tư Hoàng không nỡ phá bỏ

 

Cần Giờ từng có một diện tích rừng ngập mặn rất lớn, hệ thực vật đa dạng... Trong 30 năm chiến tranh (1945-1975) rừng Cần Giờ đã chịu hơn 665.666 gallons chất độc màu cam, hơn 3.453 gallons chất độc màu trắng và 49.200 gallons chất độc màu xanh. Cộng với nạn phá rừng bừa bãi nên sau năm 1975, hệ sinh thái rừng ngập mặn nguyên thủy ở Cần Giờ gần như không còn.

Nhiều lần tôi nói với họ như thế, rồi thấy chúng tôi đối xử tử tế nên cuối cùng, họ không phá nữa. Thậm chí, sau này gặp lại, họ bảo tôi, người ta rủ tụi tôi xuống chặt cây, mà tui bảo, xuống gặp bà Hồng nghe bả thuyết mệt lắm, bả còn cho gạo nữa. Nên thôi không đi.

Còn bà Tư Hoàng thì kể: Nhiều lần thấy người ta chặt cây, lúc đầu sợ lắm. Mình là đàn bà, làm sao đủ sức mà ngăn cản? Nhưng nếu không cản thì mình mất rừng. Nghĩ thế nên tôi làm động tác giả là hét thật to “mấy anh kiểm lâm ơi, tụi nó phá ở đây nè”, nghe tôi kêu vậy, tụi nó tưởng kiểm lâm đến nên bỏ chạy.

Đấy là với tụi đàn ông. Còn nhiều trường hợp người nghèo, phụ nữ, mấy đứa nhỏ lên chặt cây về bán mua gạo ăn qua ngày thì tôi không sợ, nhưng lại thấy thương. Không nỡ làm lớn chuyện.

Có lần, một người phụ nữ cùng mấy đứa nhỏ lên chặt cây, tụi tôi bắt được, lúc đầu tính bắt đưa về kiểm lâm, nhưng đứa nhỏ van xin, nói tụi con đói lắm. Xuống dưới xuồng kiểm tra thì thấy 4 - 5 đứa trẻ lít nhít mà gạo thì hết. Tôi nhìn mà ứa nước mắt.

 

Con trai bà Hoàng, anh Nguyễn Thành Trung, người kế nghiệp mẹ


Lên kêu thằng con trai chia nửa khạp gạo, nửa lu nước cho họ. Hỏi ra mới biết, cha tụi nhỏ chết rồi, nhà không còn gì, mấy mẹ con họ chỉ có chiếc xuồng làm nhà, cứ lênh đênh nay đây mái đó như vậy.

Theo NNVN


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập153
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại227,357
  • Tổng lượt truy cập90,290,750
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây