Sinh ra trong một vùng quê nghèo, gia đình đông anh em nên chị Cường thấu hiểu được sự vất vả. Với bản tính cần cù, chịu khó anh chị nhận làm hết những thửa ruộng bà con trong vùng bỏ trống, có khi làm từ 5 đến 6 mẫu ruộng nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Càng thiếu thốn chị càng không chịu khuất phục, chị biết để thoát nghèo không thể chỉ dựa vào làm nông, không để cái đói, cái nghèo đeo bám mãi được.
Năm 2006, chị bắt đầu vay vốn và phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ. Ban đầu chị nuôi heo thịt từ 5 đến 7 con, thấy nuôi heo mang lại hiệu quả cao, dễ phát triển kinh tế. Từ đó chị mạnh dạn đầu tư vào phát triển mô hình chuồng trại, bỏ thêm heo giống và chăn nuôi theo hướng gia trại, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, số lượng heo thịt của gia đình chị đã lên tới 120 con và 10 heo nái với hai khu vực chuồng quy mô. Không chỉ chăn nuôi gia súc mà chị còn đầu tư vào nuôi gia cầm, từ 400 đến 500 con gà và thu lại lợi nhuận cao.
Trước đây, do không có điều kiện để học về cách chăn nuôi nên chị gặp khó khăn khi heo mắc dịch bệnh, khâu kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất thu lại không cao. Nhưng dần dần, chị học hỏi qua sách vở, báo chí, đặc biệt chị tiếp thu các kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi qua dự án Biến đổi khí hậu (SRD), chị đã học được các biện pháp phòng và trị bệnh, tự chữa trị cho gia súc, gia cầm.
Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong quá trình phát triển chăn nuôi, chị Cường cho biết: “Do nguồn vốn tự phát, không có vốn đầu tư nên ban đầu chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ. Có những thời điểm đầu ra gặp khó khăn, heo bán không được giá nên cả năm chăn nuôi nhưng lãi thu về rất thấp, có những năm heo bị dịch bệnh, bán không chạy nên gặp khó khăn, nhưng không nản chí và lấy những khó khăn làm kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi”.Khu vực chuồng trại của gia đình chị có quy mô, thoáng mát, sạch sẽ. Chị nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi như xây 3 hầm biogas, làm đệm lót sinh học, bột sinh học để khử khuẩn, khử mùi chuồng trại, chống lại bệnh tật cho vật nuôi. Chị cho biết thêm: “Chăn nuôi gia súc, gia cầm không thật sự quá khó đối với người nông dân nếu cần cù, chịu khó học hỏi, tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và mô hình chuồng trại, rút bài học kinh nghiệm qua quá trình chăn nuôi thì đây cũng là cơ hội để người dân thoát nghèo”. Bây giờ gia trại của gia đình chị đã phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, trung bình mỗi năm từ 500 - 600 heo thịt, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu nhập đạt 300 triệu đồng.
Từ những thành tích đạt được trong xây dựng kinh tế mới vươn lên thoát nghèo, năm 2013 chị được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân”, được UBND huyện Can Lộc, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen hộ sản xuất điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương và được công nhận thoát nghèo bền vững, trở thành hội viên nông dân làm kinh tế giỏi của xã.
Theo hoinongdan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;