Tham quan trang trại nuôi gà của hộ gia đình anh Võ Văn Điền ( xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) không thể “ngờ” rằng, 10 năm trước, gia đình anh được “liệt” vào hộ gia đình cực kỳ khó khăn, không có nguồn thu nhập ổn định. Trái ngược với trước đây, hiện nay gia đình anh lại đang là mô hình điểm của xã với trang trại 4.000 con gà, bình quân 3 ngày cho ra “lò” 3.000 con gà con với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Năm 2005 tôi vay được của Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Phú Bình 10 triệu, lúc đó do chưa có kinh nghiệm nên chăn nuôi không hiệu quả. Năm 2014 tôi lại vay tiếp ngân hàng này 300 triệu đồng để dự định sẽ mở rộng trang trại, xây thêm chuồng ấp gà, mua thức ăn chăn nuôi…” Anh Điền hồ hởi kể.
Ông Đinh Văn Phượng - Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết - Tân Thành là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Bình, là xã có diện tích rộng nhất của huyện. Từ khi có NĐ 41, các hộ dân ở đây đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình, tìm các nguồn sản xuất mới, nguồn vốn người dân vay chủ yếu là từ Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Phú Bình. Với ưu điểm là nguồn vốn giá rẻ, lại vay được nhiều, thủ tục đơn giản, sáng làm thủ tục, chiều là vay được. Theo ông Dương Văn Hải - Phó Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Phú Bình - dư nợ năm 2014 của ngân hàng chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, với 493 tỉ đồng, chiếm 85-90% trên tổng dư nợ, cho vay DN chỉ 19 tỉ đồng, tổng nguồn vốn (đến ngày 17.3) đạt trên 566 tỉ, khách hàng dư nợ là 8.438 khách. Ngoài ra các lĩnh vực chế biến lâm sản, đồ gỗ, gỗ ép… cũng được ngân hàng đẩy mạnh, chú trọng. Nguồn vốn tín dụng rẻ không những giúp các hộ dân thoát nghèo như gia đình anh Điền, nó còn giúp các DN tư nhân sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Xuân Phương, (huyện Phú Bình) thay da đổi thịt, với hàng trăm cơ sở sản xuất, mang lại thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/người/tháng cho người dân nơi đây. Sản phẩm gỗ từ đây được xuất sang các tỉnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định… chính vì vậy, đồ gỗ nơi đây giá thành cũng rẻ hơn so với sản phẩm mang thương hiệu gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) vốn được xem là thương hiệu lâu nay.
Anh Nguyễn Văn Ngọ -(Thôn Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình) cho biết, trong suốt 7 năm qua, anh là khách hàng trung thành của Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Phú Bình, lần đầu tiên anh vay được 210 triệu, năm ngoái anh vay tiếp 300 triệu đồng để xây nhà xưởng, mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi vay, anh được cán bộ tín dụng hướng dẫn rất chi tiết, nên hồ sơ làm rất nhanh chóng, đến hạn trả lãi, ngân hàng sẽ nhắn tin trước 3 ngày vào điện thoại di động để anh chủ động việc thanh toán.
Trước khi có Nghị định 41, tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo chỉ là 10 triệu đổ xuống đối với nông dân, đối với trang trại là 50 triệu đồng, hợp tác xã là 100 triệu đồng. Nghị định 41 đã giải tỏa, tạo điều kiện cho bà con nâng mức vay không tài sản đảm bảo từ 10 lên 50 triệu đồng, đối với trang trại là 50 lên 200 triệu đồng, hợp tác xã là từ 100 lên 500 triệu đồng, giải quyết lượng vốn lớn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng. Nợ xấu trong lĩnh vực này luôn dưới 3%.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Ngân hàng NN và PTNT chi nhánh Thái Nguyên cho biết, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn được chi nhánh quan tâm, chính vì vậy năm 2014, lĩnh vực này có kết quả tăng trưởng tốt. Doanh số cho vay 2014 đạt 5.811 tỉ đồng, thu nợ đạt 5.285 tỉ đồng. Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến 31.12.2014 đạt 4.146 tỉ đồng, tăng 14,6% so với 2013, chiếm tỉ trọng 73% tổng dư nợ. Số khách hàng còn dư nợ là 50.042 khách hàng. Dư nợ cho vay trong chương trình xây dựng nông thôn mới đạt 880 tỉ đồng, với 52 khách hàng là DN và 11.150 khách hàng là hộ gia đình.