Tham gia mô hình liên kết, vườn cam của gia đình anh Giáp Văn Lịch, xã Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), luôn cho năng suất, hiệu quả thu nhập cao. Trong nền kinh tế thị trường, để nâng cao sức cạnh tranh, liên kết sản xuất là đòi hỏi tất yếu. Việc xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới không chỉ là câu chuyện thay tên, hay "bình mới, rượu cũ", mà phải xác định đúng vai trò, vị trí, sự cần thiết của nó trong giai đoạn mới. Những "cổ đông nông dân" Cùng những cán bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi đến HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (HTX Tân Cường) ở ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông được xem là điểm sáng về những thành công trong sản xuất, kinh doanh với mô hình HTX kiểu mới. Giám đốc HTX Tân Cường Nguyễn Văn Trãi chia sẻ: "Đến nay, HTX đã liên kết với Công ty Võ Thị Thu Hà được ba năm. Từ khi liên kết, chúng tôi đã có thể quyết định được giá sản phẩm làm ra, không còn lo lắng về đầu ra và giá cả "phập phù" như trước kia". Ông Trãi đưa chúng tôi đến thăm một thành viên và là cổ đông của HTX Tân Cường. Tin tưởng vào cách thức hoạt động của HTX kiểu mới này, khi nghe Ban giám đốc HTX thuyết phục, ông Trần Văn Hướng (xã Phú Cường) đã đưa 17 ha đất trồng lúa của gia đình vào cánh đồng liên kết của HTX gần bảy năm qua. Từ ngày tham gia vào cánh đồng liên kết, gia đình ông không còn quá lo lắng khi vào mùa vụ, được hỗ trợ khâu kỹ thuật canh tác từ lúc chọn giống, gieo sạ đến thu hoạch, đồng thời được vay vốn, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, cung cấp các dịch vụ bơm tưới đến bao tiêu thu mua lúa... Ông Hướng cho biết, khi tham gia cánh đồng mẫu lớn của HTX Tân Cường, mỗi héc-ta đất trồng lúa, chi phí đầu vào sẽ giảm một đến hai triệu đồng/vụ. Các xã viên được hướng dẫn làm tốt các khâu nên lúa cho năng suất cao. Đến lúc thu hoạch, nông dân trong HTX được các công ty đối tác ký hợp đồng bao tiêu hỗ trợ thêm khoảng 20 đồng/kg và mua cao hơn giá thị trường từ 150 đến 200 đồng/kg. Với năng suất bảy đến tám tấn/ha, chất lượng lúa tốt, bán được giá nên lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm cũng tăng ba đến năm triệu đồng/ha/vụ. Cộng hết tất cả các khoản, trừ chi phí, vụ hè thu vừa qua mỗi héc-ta, gia đình ông Hướng lời khoảng 25 triệu đồng, với diện tích 17 ha đất trồng lúa, gia đình ông thu được 425 triệu đồng. "Ngoài mần lúa, tui còn có 500 cổ phiếu trong HTX. Cuối năm, được chia cổ tức 65.000 đồng đến 70.000 đồng một cổ phiếu. Tính ra có thêm gần 35 triệu đồng. Bao nhiêu năm cực nhọc, nay làm ăn theo kiểu mới, có dư, các xã viên như tôi ai cũng thấy vui". Với góc độ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, ông Đoàn Văn Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà cho biết: Tại huyện Tam Nông, công ty đang có kế hoạch duy trì, phát triển mô hình thu mua lúa này từ năm HTX lên 11 HTX với diện tích khoảng 12.000 ha. Để có thể mua hết lúa cho bà con nông dân, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy xay xát tại huyện Tam Nông với công suất 1.000 tấn/ngày, tổng sức chứa tại các kho của công ty lên đến 200.000 tấn. Có thể nói, tại Đồng Tháp, thuật ngữ "cổ đông nông dân" đã trở nên quen thuộc tại các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Những tín hiệu về cánh đồng liên kết là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất tìm được đáp án cho câu hỏi: Trồng cây gì, bán cho ai và bán như thế nào?; còn các doanh nghiệp cũng tìm được câu trả lời: Mua cái gì, mua ở đâu và mua như thế nào. Liên kết để... xuất ngoại ! Đó là câu chuyện làm ăn của những nông dân Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ở ấp 9 (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng), chủ nhiệm Tổ dịch vụ chia sẻ: Ấp 9 có 118 ha đất chuyên sản xuất lúa, mấy năm trước, cứ đến mùa thu hoạch, người dân lại đau đầu với chuyện khan hiếm nhân công. Đặc biệt, năm 2011, khi "cánh đồng mẫu lớn" hình thành tại địa phương, chuyện thiếu máy móc và cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ máy đã trở nên quen thuộc. Ông Mười Trọng, lúc đó là Trưởng ấp 9, vận động nông dân chưa có việc làm ổn định lập thành nhóm, nhận làm thuê "trọn gói" từ làm đất, sạ hàng, phun thuốc, thu hoạch... Do làm ăn uy tín, Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp ấp 9 được nhiều người biết đến. Từ 16 người tham gia ban đầu, hiện tổ đã có 66 thành viên với sáu máy gặt đập liên hợp, hai lò sấy, một máy làm sạch hạt giống, 20 máy sạ hàng và một máy bón phân. Tháng 6-2014, 30 nông dân của Tổ dịch vụ còn "xuất ngoại" sang Lào để trồng lúa sạch theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và chuyển giao mô hình làm lúa trọn gói cho nông dân nước bạn, với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Đánh giá về mô hình này, Bí thư xã Mỹ Lộc Nguyễn Văn Diệu cho biết: Tổ dịch vụ ra đời không chỉ giúp việc sản xuất và tiêu thụ lúa của bà con được thuận lợi hơn, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương. Liên kết hay là chết cũng là khẳng định của Chủ nhiệm Phạm Văn Dũng - HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang). Được thành lập từ tháng 1-2000, đến nay, ngành nghề chính của HTX Hồng Xuân là sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, kinh doanh thuốc thú y, gia cầm giống. Riêng năm 2014, HTX cung cấp cho thị trường 400.000 con giống. Với cam Canh, dù mới được trồng ba năm, nhưng năm vừa qua đã mang lại cho các hộ xã viên 4,5 tỷ đồng. Doanh thu của HTX năm 2014 là 12,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, năm 2014, nhờ áp dụng VietGAP, HTX được xuất khẩu sang Nhật Bản 10 tấn vải thiều với giá cao hơn thị trường 12.000 đồng/kg. Ông Dũng chia sẻ, năm 2015, HTX đứng trước cơ hội lớn khi được chọn là một trong những đơn vị tham gia xuất khẩu vải thiều sang Mỹ. Hiện, chúng tôi đang cùng các đơn vị khác tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất của phía đối tác. Cần một cuộc cách mạng về HTX Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) do người dân tự thành lập dựa trên nhu cầu bức thiết trong sản xuất, kinh doanh đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là ở các tỉnh khu vực phía nam. Tuy nhiên, để HTX, THT ổn định, phát triển, phải có những chính sách phù hợp, giúp họ tháo gỡ khó khăn. Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, hiện nay trong số hơn 10 nghìn HTX, có khoảng 20% HTX đang rất khó khăn, một số đã ngừng hoạt động mà chưa giải thể được. Đã đến lúc, cần có một cuộc cách mạng về HTX. Cần xác định rõ mục tiêu đổi mới HTX không chỉ là chuyện thay tên hay "bình mới, rượu cũ" mà phải xác định đúng vai trò, vị trí, sự cần thiết của các HTX ở mỗi điều kiện cụ thể, cần loại hình tổ chức nào để xây dựng HTX và các tổ chức theo nhu cầu của nông dân, chứ không phải lập theo số đông, ồ ạt như trước đây. Rà soát xem HTX nào cần, còn những HTX thật sự quá khó khăn không đáp ứng nhu cầu của người dân thì mạnh dạn giải thể, không nhất thiết phải chạy theo số lượng khi HTX sinh ra không làm gì và giúp gì được cho nông dân. Phó Cục trưởng Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN và PTNT) Lê Đức Thịnh cho rằng, mỗi vùng miền, địa phương phát triển mô hình HTX theo cách khác nhau vì phải dựa vào trình độ sản xuất, thâm canh. Các HTX phải chủ động trong phát triển nội lực để người dân có thể đặt niềm tin, coi tổ chức này là điểm tựa, tìm đến khi khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc. Bởi, trong xu thế hội nhập, Nhà nước không thể trợ giá trực tiếp cho người nông dân, nhưng những hỗ trợ cho tổ chức nông dân thì hoàn toàn không phạm luật. Càng hội nhập sâu rộng, chúng ta cần phải đề cao vai trò của HTX, vai trò của tổ chức nông dân. Bộ NN và PTNT đang yêu cầu các địa phương tổng hợp, đề xuất các mô hình HTX phù hợp địa phương để có hướng ban hành các chính sách phù hợp. Giai đoạn 2015-2020, cả nước sẽ cơ bản tiến hành chuyển đổi 10.336 HTX nông nghiệp sang tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Sẽ thúc đẩy thành lập mới 2.000 HTX theo hướng ưu tiên các HTX sản xuất theo lĩnh vực chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Còn khoảng 2.500 HTX hoạt động không hiệu quả thì sẽ giải thể. Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.000 tổ hợp tác, 170 HTX nông nghiệp. Để thúc đẩy bước chuyển mình vươn lên của các HTX, UBND tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và lựa chọn 13 HTX, ba tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh nông sản đặc thù của tỉnh. Theo Nhandan |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;