Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ vừa có báo cáo kết quả mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên giống lúa TBR97, gắn với dịch vụ BVTV và diệt chuột tập trung vụ mùa năm 2021.
Vụ mùa năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ (BVTV) phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp ICM trên giống lúa TBR97, gắn với tổ dịch vụ BVTV và diệt chuột tập trung.
Đây là mô hình tích hợp nhiều nội dung, kỹ thuật với mục tiêu chăm sóc cây trồng toàn diện, giảm chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường, đạt hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Mô hình được triển khai tại cánh đồng Khu Mạ, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Với quy mô 8ha triển khai mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên lúa gắn với tổ dịch vụ, thu hút sự tham gia của 18 hộ nông dân và 200ha triển khai mô hình diệt chuột tập trung.
Về kỹ thuật, mô hình áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Đối với áp dụng việc SRI gồm 5 nguyên tắc: Gieo mạ thưa 0,1kg giống/m2, cấy mạ non 2- 2,5 lá; cấy thưa 30-35 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm; làm cỏ sục bùn; rút nước luân phiên ở giai đoạn đẻ nhánh; bón phân cân đối và tăng cường sử dụng phân hữu cơ.
Đối với việc quản lý sâu bệnh hại và sử dụng dịch vụ BVTV, hàng tuần cán bộ được phân công theo dõi mô hình phối hợp cùng với cán bộ khuyến nông và nông dân tổ chức điều tra sâu bệnh. Dự tính, dự báo sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu bệnh hại trong mô hình và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng sẽ thông báo, thống nhất phòng trừ bằng thiết bị bay vào những thời điểm quan trọng.
Bên cạnh đó, áp dụng trồng hoa trên bờ ruộng lúa để tạo hệ sinh thái và mỹ quan đồng ruộng.
Mô hình quản lý cây trồng tổng hợp ICM gắn với tổ dịch vụ BVTV và diệt chuột tập trung đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật, đem lại nhiều lợi ích cho các hộ nông dân tham gia mô hình và cộng đồng xung quanh.
Mô hình áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) cấy mạ non, cấy 1-2 dảnh, cấy nông tay, cấy thưa, nên cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm hơn cách cấy tập quán 3 ngày. Số dảnh đẻ tối đa trong mô hình là 19 dảnh/khóm (cấy theo tập quán 15 dảnh/khóm).
Trong mô hình bón phân thúc đẻ nhánh đúng thời điểm, đầy đủ, cân đối nên cây lúa đẻ nhánh khỏe hơn, số dảnh hữu hiệu bình quân đạt 10 dảnh/khóm (tập quán đạt 7 dảnh/khóm).
Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp ICM sử dụng giống lúa TBR97 của Tập đoàn ThaiBinh Seed, có ưu điểm phù hợp với cơ cấu thời vụ vụ mùa và trên chân đất gieo cấy 2 vụ/năm, năng suất cao hơn phương pháp cấy tập quán 15-20 kg/sào (tương đương 4,3- 5,5 tạ/ha).
Đối với hoạt động dịch vụ BVTV, mô hình ICM gắn với tổ dịch vụ BVTV giúp giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là tiền thuốc và công phun thuốc. Hiệu quả kinh tế cao hơn phương pháp cấy tập quán hơn 10.900.000 đồng/ha tương đương 390.000 đồng/sào.
Trong quá trình triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ đã phối hợp với lực lượng khuyến nông, nông dân xã Võ Miếu thực hiện được 15 kỳ điều tra sâu bệnh, tổ chức phun 2 lần thuốc BVTV tập trung bằng thiết bị bay không người lái.
Việc triển khai cấy tập trung cùng trà, cùng giống, cây lúa sinh trường và phát triển đồng đều, khi dịch bệnh xuất hiện rất thuận lợi cho tổ dịch vụ BVTV triển khai phun phòng trừ tập trung.
Sử dụng đúng thuốc, đúng chủng loại nên hiệu quả phòng trừ cao. Không còn tình trạng pha trộn nhiều loại thuốc BVTV trong phòng trừ, không còn tình trạng sử dụng nhầm thuốc.
Khi sử dụng thiết bị bay phun phòng trừ dịch hại giúp tiết kiệm chi phí gần 170.000 đồng/ha/vụ (tương đương 6.000 đồng/sào. Bên cạnh đó, nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV ở các lần sử dụng thiết bị bay giúp giải phóng sức lao động và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc phun thuốc bằng thiết bị bay còn giúp giảm lượng thuốc sử dụng, không có lượng thuốc dư thừa đổ ra đồng ruộng. Trong khi, phun thuốc theo tập quán vỏ bao bì khi phun xong nông dân vẫn bỏ ngay trên bờ ruộng, làm ô nhiễm môi trường đất, nước…
Đối với việc triển khai mô hình ruộng lúa bờ hoa, trong vụ mùa năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV hỗ trợ 400 cây hoa mẫu đơn trồng trong mô hình, với tổng chiều dài bờ ruộng 500m.
Việc trồng hoa trên bờ ruộng lúa giúp dẫn dụ côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản, gia tăng quần thể thiên địch, nhất là loài bắt mồi ăn thịt như chuồn chuồn, ong ký sinh, nhện…Hạn chế sự trưởng thành của sâu đục thân, rầy các loại… Từ đó, sẽ giảm việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Đặc biệt việc trồng hoa mang lại phong cảnh, mỹ quan đồng ruộng, tạo không gian đẹp, giúp người dân hứng khởi khi thăm đồng, làm ruộng và có những thời gian thư giãn sau những giờ lao động mệt mỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối với việc diệt chuột tập trung, trong quá trình triển khai mô hình, kết quả cho thấy chuột gây hại mạnh nhất vào giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ và giảm dần trong giai đoạn lúa làm đòng đến trỗ bông.
Trên diện tích 200ha, với 2 lần đánh chuột, tổng chi phí vật tư diệt chuột tập trung là 45 triệu đồng, bình quân 8.000 đồng/sào (tương đương giá trị 1kg thóc).
Như vậy, có thể thấy chi phí triển khai diệt chuột rất thấp nhưng hiệu quả diệt trừ chuột rất cao. Qua kiểm tra mô hình cho thấy, đến giai đoạn lúa làm đòng (sau khi tổ chức đánh chuột lần 2) chuột không gây hại trên đồng ruộng nữa.
Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ cho các xã triển khai diệt chuột tập trung trên quy mô toàn xã hàng vụ, hàng năm.
UBND các xã, thị trấn, HTX dịch vụ nông nghiệp triển khai gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, gieo trồng tập trung, lựa chọn 1-2 giống gieo cấy trên các trà cùng một khu, cánh đồng để thuận lợi cho công tác dịch vụ bảo vệ thực vật. Tiếp tục chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở tuyên truyền cho bà con nông dân về lợi ích của mô hình, duy trì và triển khai các vụ tiếp theo.
Trung Quân/nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;