Học tập đạo đức HCM

Mùa vải sớm trên vùng đất đỏ bazan

Chủ nhật - 26/04/2020 21:47
Nhờ thu hoạch “lệch pha” với vải miền Bắc nên quả vải ở Đăk Lăk có nhiều lợi thế về thị trường tiêu thụ, giá bán
Anh Lý Văn Thọ đang thu hoạch vải. Ảnh: NT.

Anh Lý Văn Thọ đang thu hoạch vải. Ảnh: NT.

Trong khi những quả vải ở các tỉnh phía Bắc vẫn còn xanh non thì ở các vùng trồng vải của Đăk Lăk đã chín đỏ cây, nông dân tất bật thu hoạch.

Chín sớm, ưu thế nổi trội của vải Đăk Lăk

Giữa tháng 4, chúng tôi về xã Ea Sar, huyện Ea Kar, địa phương trồng vải trọng điểm của tỉnh Đăk Lăk, với diện tích hàng trăm hecta. Những chuyến xe nối đuôi nhau tìm về đây “ăn hàng”, dọc hai bên đường, vải sai lúc lỉu, chín đỏ mọng, người thu hoạch cười nói rôm rả. Một mùa vải nữa của người dân được mùa.

Tại vườn vải của anh Lý Văn Thọ, thôn 2, xã Ea Sar, hàng chục nhân công ở trong nhà và ngoài vườn làm việc luôn tay, người thu hoạch, người đóng gói cho kịp xe thương lái vào chở hàng.

Anh Thọ cho biết, năm 2015, thấy nhiều hộ trong xã trồng vải rất có hiệu quả kinh tế, gia đình anh đã chuyển 1ha đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng 300 gốc vải U Hồng. Giống vải này tuy chín muộn hơn một chút so với giống vải Bình Khê nhưng lại ngọt hơn, màu sắc quả vải cũng đẹp hơn nên được thương lái chuộng, giá bán cao hơn.

“Sau 3 năm trồng, vải cho thu bói và năm nay khi bước sang năm thứ 5, vườn vải của gia đình tôi đã cho thu hoạch khá ổn định, với năng suất bình quân 25kg/cây.

Mặc dù, mùa vải năm nay chín đúng vào dịp dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành vẫn phải giãn cách xã hội nhưng vẫn bán được 35.000 – 40.000 đồng/kg. Với sản lượng thu được khoảng 7,5 tấn quả, gia đình tôi có thu nhập trên 270 triệu đồng, cao gấp 15 lần so với trồng hoa màu”, anh Thọ chia sẻ.

Anh Lý Văn Thọ kiểm tra sản phẩm trước khi đóng hàng chuyển đi cho thương lái. Ảnh: NT.

Anh Lý Văn Thọ kiểm tra sản phẩm trước khi đóng hàng chuyển đi cho thương lái. Ảnh: NT.

Gần đó, hộ ông Trần Văn Khuyến, thôn 3, xã Ea Sar đang dẫn thương lái ở TP Đà Nẵng tìm đến để đặt hàng mua trước.

Ông Khuyến cho biết, do vải chín sớm không “đụng” hàng với vải ngoài Bắc nên cứ vào mùa vải chín thì thương lái khắp các tỉnh thành, kể cả các tỉnh ngoài Bắc, tìm đến thu mua, chính vì vậy mà quả vải ở đây không lo đầu ra.

Theo ông Khuyến, vùng đất phía đông của Đăk Lăk (tiếp giáp với các tỉnh miền Trung) có khí hậu lạnh nên cây vải rất phù hợp để sinh trưởng và phát triển. Dù lạnh, nhưng so với các tỉnh ngoài Bắc lại nóng hơn nên cây vải ra hoa, đậu quả sớm hơn vải miền Bắc khoảng 30-40 ngày.

“Gia đình tôi trồng 200 gốc vải được chuyển từ đất mía kém hiệu quả từ năm 2010, tức là đã được 10 năm, chưa bao giờ vải bị ế hay bị dội giá, thông thường mọi năm vải luôn bán ở mức trên 50.000 đồng/kg. Với vườn vải 10 năm nên sản lượng hàng năm rất ổn định, đạt khoảng 6 tấn.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh giá có giảm hơn mọi năm, nhưng đầu vụ gia đình vẫn bán được 45-47 nghìn đồng/kg.

Với giá này gia đình tôi cũng thu được trên 250 triệu đồng, nguồn thu nhập từ vải lớn gấp nhiều lần so với trồng hoa màu hay cà phê”, ông Trần Văn Khuyến chia sẻ.

Ông Trần Văn Khuyến đưa thương lái đi tham quan vườn vải của gia đình. Ảnh: NT.

Ông Trần Văn Khuyến đưa thương lái đi tham quan vườn vải của gia đình. Ảnh: NT.

Không chỉ người nông dân xã Ea Sar làm giàu từ cây vải, hiện nay cây vải đang là cây trồng được nhiều người dân tại các xã trong huyện lựa chọn để phát triển kinh tế.

Theo phòng NN-PTNT Ea Kar, tính đến cuối năm 2019 toàn huyện có trên 300ha, đây cũng là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh Đăk Lăk.

Cây vải phát triển mạnh ở Đăk Lăk là câu chuyện rất tình cờ. Vào những năm 1990, cây vải miền Bắc đã theo chân một số nông dân huyện Krông Păk đến vùng đất này. Ban đầu trồng với mục đích phục vụ nhu cầu trong gia đình, tuy nhiên cây vải phát triển rất mạnh trên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió, mặt khác so với các loại cây trồng khác, đỡ tốn công chăm sóc hơn nhiều. Đặc biệt cây vải chín sớm khoảng hơn 1 tháng nên dễ bán, giá cao.

Ngược lên huyện Krông Păk, địa phương trồng vải sớm nhất tỉnh Đăk Lăk với diện tích hiện nay khoảng 40ha được trồng chủ yếu tại các xã Ea Kly, Ea Kuăng và thị trấn Phước An.

Chúng tôi nghé thăm vườn vải của gia đình ông Nguyễn Duy Tiên, thôn 12A, xã Ea Kly.

Thời điểm này vườn vải 1ha của gia đình ông đã thu hoạch xong, sản lượng quả thu được 19 tấn, bán ngay tại vườn cho thương lái với giá 40.000-50.000 đồng/kg.

Như vậy, dù bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng năm nay ông cũng bỏ túi được khoảng 800 triệu đồng.

Ông Tiên là một trong những nông dân tiên phong trồng cây vải trên đất cà phê kém hiệu quả  trong xã.

Năm 1996, ông bắt đầu đưa cây vải ngoài Bắc vào trồng, đồng thời ghép thành công giống vải chín sớm Bình Khê lên gốc vải thiều để cho quả chín sớm nhất vùng, năng suất cao, ngoài ra quả vải của gia đình ông có màu sắc đỏ tươi, sáng đẹp...

Nhờ cây vải, gia ông Tiên có của ăn của để, mỗi năm thu nhập từ 700 – 800 triệu đồng.

Hướng đến xuất khẩu

Theo Sở NN-PTNT Đăk Lăk, cùng với khí hậu, thời tiết tại đây khác biệt với các tỉnh ngoài Bắc, người trồng vải còn thực hiện tốt quy trình trồng, kích thích ra hoa vào thời điểm phù hợp để cây cho quả chín sớm vào tháng 4, tức là sớm hơn trên 1 tháng so với vải ngoài Bắc.

Về chất lượng, vải Đăk Lăk đã được các cơ quan nghiên cứu cây ăn quả kiểm nghiệm và được đánh giá chất lượng không thua kém so với các giống vải thiều chính vụ miền Bắc.

Chính quyền xã Ea Sar đi kiểm tra tình hình sản xuất cây vải trên địa bàn. Ảnh: NT.

Chính quyền xã Ea Sar đi kiểm tra tình hình sản xuất cây vải trên địa bàn. Ảnh: NT.

Với hiệu quả kinh tế cao, những năm gần đây, cây vải được nhiều hộ nông dân Đăk Lăk lựa chọn để chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất xấu, hoặc những vườn cà phê, vườn tiêu năng suất thấp, không hiệu quả tập trung tại các huyện Ea Kar, Krông Păk, Krông Năng, M’Đrắk, thị xã Buôn Hồ…

Hiện nay diện tích trồng vải toàn tỉnh đạt 706ha, trong đó 635ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4.000 tấn, gồm các giống vải U Hồng,  Phúc Hòa, Hồng Quyết, Bình Khê…

Để phát huy lợi thế qủa vải chín sớm, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cho các nhà vườn canh tác theo hướng bền vững và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi.

Ông Trần Văn Đông, Phó phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: Huyện đã xây dựng được 15ha vải sản xuất theo hướng VietGAP, đồng thời thành lập được tổ hợp tác sản xuất vải tại xã Ea Sar. Huyện cũng đã tổ chức các hội thảo kết nối thương mại giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với những vùng trồng vải trên địa bàn. Hiện có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm.

Riêng trong năm 2020, Cty CP Sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Hương Cao Nguyên (đóng chân trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk) đã kết nối với nông dân huyện Ea Kar đặt mua vải ngay tại các vườn, số lượng trên 500 tấn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Cty cho biết: Do vải chín lệch vụ với vải chính vụ miền Bắc nên thị trường tiêu thụ vải khá ổn định, nhu cầu rất cao, nông dân trồng đến đâu bán hết đến đó. Cty chúng tôi cũng phối hợp với Sở NN-PTNT tiến hành xây dựng mã vùng trồng cho cây vải Đăk Lăk để phát huy hiệu quả lợi thế vải chín sớm hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài.

Một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước hết Đăk Lăk phải chú ý đến khâu giống, việc thống nhất trồng một loại giống sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng vùng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như xây dựng thương hiệu và kết nối thương mại cho sản phẩm quả vải với thị trường trong nước và nước ngoài. Mặt khác khâu chế biến, bảo quản phải được đầu tư để nâng cao giá trị cho quả vải Đăk Lăk.

MINH THUẬN - MAI PHƯƠNG/ Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập115
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại276,820
  • Tổng lượt truy cập92,654,484
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây