Học tập đạo đức HCM

Không chủ quan sâu bệnh hại lúa xuân

Thứ ba - 25/03/2025 20:59
Thời tiết duy trì hình thái âm u, ẩm độ cao, ánh sáng yếu như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên lúa xuân. Đặc biệt là đối với bệnh đạo ôn lá, nếu không chủ động phòng trừ sẽ có nguy cơ gây bệnh đạo ôn cổ bông trong giai đoạn tới.
Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh Hà Tĩnh sản xuất 59.200 ha lúa với cơ cấu các loại giống đại trà gồm: Bắc Thịnh, Nếp 98, Hà Phát 3, Nếp 87, HT1, Khang Dân đột biến, Khang Dân 18, Nhị Ưu 838, TH3-5, Thái Xuyên 111, Ly2099... và một số giống tiềm năng tiếp tục mở rộng diện tích gồm: HG12, VNR10, TBR97, ĐB6, ADI28, Hương Bình, Hana167... Đến nay, cơ bản lúa xuân đang ở giai đoạn đẻ nhánh tập trung, một số diện tích gieo cấy sớm đã bước vào giai đoạn đứng cái-phân đốt. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm giao mùa, nồm ẩm kéo dài nhiều ngày kèm theo mưa nắng thất thường nên sâu bệnh dễ phát sinh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và đang có nguy cơ lan rộng, nhất là trên giống nhiễm và chân ruộng thừa đạm.
h1benh dao on tren lua xuan ha tinh
 Bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên các trà lúa xuân tại Hà Tĩnh
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh, hiện nay, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên trà lúa gieo cấy sớm, tỷ lệ bệnh trung bình 5 - 7%, nơi cao 10 - 15%, cục bộ 20-30% với diện tích nhiễm 60 ha, phân bố tại các xã Kỳ Văn, Kỳ Khang, Kỳ Thư, Kỳ Phú, Kỳ Thọ (huyện Kỳ Anh); Đỉnh Bàn, Thạch Khê, Thạch Bình (TP Hà Tĩnh); Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, Tùng Châu (Đức Thọ); Thạch Long, Thạch Sơn, Thạch Ngọc, Bình An, thị trấn Lộc Hà, Mai Phụ (Thạch Hà); Đan Trường, Xuân Hội (Nghi Xuân),…Điều đáng lo ngại là các loại giống chủ lực, có diện tích gieo trồng tương đối lớn của tỉnh như Thái Xuyên 111, Bắc Thịnh, VNR20, HN6, ADI168, KD18,… đều đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá, nguy cơ lớn chuyển tiếp sang đạo ôn cổ bông trong giai đoạn sau.
Tại xã Lâm Trung Thủy là một trong những địa phương có diện tích lúa xuân lớn nhất ở huyện Đức Thọ với trên 900 ha, chủ yếu cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như: Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, VNR20, Nếp 98... Do thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao nên bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số cánh đồng ở 2 thôn Trung Đông, Trung Tiến.
106d5230125t2450l1 94d0092943t57637l0
Nông dân Hà Tĩnh chủ động phun trừ bệnh đạo ôn lá trên lúa xuân
Bà Trần Thị Loan (thôn Trung Đông, xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cho biết: “Trong điều kiện mưa ẩm kéo dài nhiều ngày qua, sau khi thăm đồng, tôi đã phát hiện 4/7 sào lúa của gia đình đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Số diện tích này chủ yếu ở các ruộng lúa dày, rậm và nằm ở vùng trũng, khó thoát nước. Được cán bộ nông nghiệp xã kiểm tra, hướng dẫn, tôi đã phun thuốc phòng trừ ngay, hạn chế lây lan sang các ruộng khác. Tuy nhiên, với thời tiết ẩm ướt, sương mù dày đặc vào ban đêm và sáng sớm nên dễ làm giảm tác dụng của thuốc vì thế dù phun phòng rồi tôi vẫn chưa hết lo”.
Ông Phan Tiến Dũng- Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Đức Thọ cho biết: “Thời gian này, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn luôn bám sát đồng ruộng, cùng với các địa phương kiểm tra thường xuyên trên các cánh đồng, theo dõi, dự tính dự báo và hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ đạo ôn  và các loại sâu gây hại khác, nhất là đối với giống có mức độ nhiễm cao như: P6, VNR20, Thái Xuyên 111…. Hiện tại, tuy diện tích lúa xuân bị nhiễm chưa nhiều nhưng chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chủ quan, cần phòng trừ kịp thời thì không để phát tán, lây lan.”.
Hiện nay, các vết bệnh đạo ôn với biểu hiện dễ nhận biết nhất là những chấm nâu hình kim lốm đốm trên lá. Theo điều tra của ngành chuyên môn, bệnh cũng đã xuất hiện trên các vùng gieo cấy sớm của xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên)...
Nguyễn Thị Nga (thôn Phúc Trung, xã Nam Phúc Thăng) cho biết: “Nhà tôi làm gần 10 sào trong đó 4 sào sử dụng giống Thái xuyên 111. Năm nay, thời tiết lạnh kéo dài, lúa bén khá chậm nên bệnh đạo ôn chỉ mới xuất hiện rải rác ở một số chân ruộng. Tôi đang chủ động theo dõi để nếu bệnh lây lan mạnh hơn sẽ tiến hành phun phòng trong những ngày tới”.
hinh 3 5
Các địa phương chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa xuân để có biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, thời gian tới, thời tiết tiếp tục duy trì hình thái trời nhiều mây, ít nắng, ẩm độ cao, nhiệt độ trung bình 18 - 23 độ C, là điều kiện thuận lợi cho bào tử nấm bệnh đạo ôn phát tán, nảy mầm và có nguy cơ lây lan trên diện rộng, gây cháy lụi cục bộ một số diện tích, nhất là trên các giống nhiễm.
Vì thế, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh khuyến cáo các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết ra đồng, kịp thời phun phòng các diện tích có nguy cơ nhiễm bệnh; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi và UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo. Đặc biệt, tiến hành khoanh vùng và xử lý dứt điểm những diện tích nhiễm bệnh để hạn chế nguồn lây, nhất là trên những diện tích gieo cấy các giống mẫn cảm với bệnh như: P6, ADI168, Thái Xuyên 111, VNR20, Bắc Thịnh, HN6,...
Ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con cần sử dụng một trong các loại thuốc có nhóm hoạt chất sau: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil; các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Kasoto 200SC, Flash 75WP, Kabim 30WP, Filia 525SE, NINJA 35EC,.... Đối với những diện tích đã xuất hiện bệnh và có nguy cơ nhiễm bệnh phải ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm; phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5 - 7 ngày tiến hành kiểm tra nếu thấy vết bệnh cấp tính xuất hiện thì tiếp tục xử lý thuốc lần 2.
Bên cạnh bệnh đạo ôn thì các đối tượng như ruồi đục nõn, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng, nạn ốc bươu vàng và chuột cũng đang có nguy cơ phát sinh gây hại mạnh nên bà con cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Quyết định số 633/QĐ-UBND

Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch số 89/KH-VPĐP

Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025

Báo cáo 56/VPĐP-HCTH

Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Kế hoạch số 47/VPĐP-KH

Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới

Kết luận số 178-Kl/TU

Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập452
  • Hôm nay103,954
  • Tháng hiện tại213,808
  • Tổng lượt truy cập97,441,989
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây