Thường Nga là xã thuộc vùng bán sơn địa, ở phía Tây huyện Can Lộc, nằm ở vị trí trung chuyển của 3 tuyến đường giao thông quan trọng: Đường 15A, đường 70, đường 28 và tỉnh lộ 8 chạy qua phía Đông Bắc củaxã, nên Thường Nga có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Cây ăn quả không phải là thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Thường Nga nhưng lại làm giàu cho nhiều hộ dân nơi đây, trong đó có anh Lê Vạn Hải. “Trong khi nhiều người bỏ vườn, bỏ ruộng đi làm công nhân thì bản thân tôi lại bỏ việc nhà máy về làm nông dân,chấp nhận mạo hiểm, dám đương đầu với khó khăn để đầu tư nông nghiệp sạch, đến nay sự cần mẫn của tôi và anh em trong HTX đã biến đồi hoang thành trang trại rộng 30ha đẹp như tranh”- Anh Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc chia sẻ.
HTX Nông nghiệp Gia Phúc được thành lập năm 2013 với trang trại chăn nuôi lợn nái quy mô 1.400 con, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 30 ngàn con lợn giống chất lượng, đem về nguồn thu trên 8 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, HTX còn có ý tưởng xây dựng trang trại cây ăn quả theo hình thức đa cây và ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất. Trong bối cảnh chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đã tạo điều kiện để HTX thực hiện ý tưởng của mình. Và để bắt đầu hành trình đó là điều không hề đơn giản, anh đã sẵn sàng xách ba lô đi đến mọi miền để tìm hiểu thị trường; không ngừng tìm tòi, nghiên cứu từ khâu chọn giống, cách chăm sóc cây trồng trên internet và những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi nghiên cứu, khảo sát địa hình, HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã thuê 30ha đất đồi tại hồ Khe Lang, xã Thường Nga (huyện Can Lộc) để bắt đầu ý tưởng. Sau 2 năm máy móc làm việc không ngơi nghỉ, HTX đã biến đồi hoang thành trại cây ăn quả ngút ngàn. 30ha được quy hoạch bài bản với 1.500 gốc thanh long ruột đỏ, 2.100 gốc ổi, trên 8.000 gốc cam, bưởi và 500 cây mít Thái. Đây được xem là quyết định khá táo bạo, bởi thời điểm đó, nơi đây vẫn chỉ là đồi núi hoang vu. Song, ý chí vượt khó cùng với quyết tâm làm giàu đã giúp anh vượt qua tất cả.
Để chủ động, khoa học trong quy trình chăm sóc, tưới tiêu, HTX đã chi 2,3 tỷ đồng đầu tư hệ thống tưới nước và cung cấp dinh dưỡng theo công nghệ Israel. Cùng vớiđó, HTX mời các chuyên gia Israel sang lắp đặt và chuyển giao quy trình với hệ thống nhà điều hành và 6 trạm van bố trí trong trang trại. Với phần mềm được lập trình sẵn, chỉ cần thao tác đơn giản trên smartphone, đãdễ dàng tưới nước và cung cấp dinh dưỡng cho cây theo ý muốn. Nhờ đó đã giảm tối đa công lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với mong muốn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo tiêu chuẩn sau khi thu hoạch, tất cả cây trồng trong trang trại đều được kiểm soát về vấn đề sử dụng thuốc BVTV, phân bón,... Ngoài ra, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, HTX còn xây dựng nhà nuôi giun quế rộng hơn 100m2 để lấy phân hữu cơ bón cho cây trồng. Quy trình khép kín giúp tiết kiệm kinh phí đầu tư phân bón và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây, tạo sản phẩm sạch, chất lượng.
Một trang trại rộng lớn với những đồi cây ăn quả trải dài trên những lưng đồi đang hứa hẹn những vụ mùa bội thu và HTX nông nghiệp Gia Phúc sẽ phải tính đến chuyện đầu ra cho sản phẩm của mình. Nếu bán cho các thương lái thì sản phẩm của HTX cũng sẽ giống như sản phẩm của các vùng miền khác, không tạo ra được thương hiệu riêng cho sản phẩm sạch mà HTX đã đầu tư sản xuất. Với những trăn trở đó, sau khi tìm hiểu HTX đã đưa ra hướng đi cho sản phẩm của mình là xây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. HTX đã đầu tư xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm và hệ thống cửa hàng cung cấp và giới thiệu các loại trái cây của HTX tại chợ tỉnh Hà Tĩnh. Cửa hàng được đầu tư rất quy mô và cũng là địa điểm thuận lợi để khách hàng tham quan, mua sắm.
Nhìn trang trại rộng lớn với các loại cây ăn quả được thiết kế bài bản, địa hình được bao bọc giữa các đồi núi và lòng hồ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc - Lê Vạn Hải đang có ý tưởng sẽ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm sinh thái, khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận sự giao hòa, gần gũi với thiên nhiên, tự tay hái những trái cam chín mọng. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến và ngày càng vươn cao, vươn xa.
Dám nghĩ, dám làm là yếu tố đặc biệt quan trọng để quyết định thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang một mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là kinh nghiệm được đúc rút từ chính quá trình đi lên của HTX khi chọn đồi núi làm nơi lập nghiệp của mình. Và với mục tiêu chất lượng được đặt lên hàng đầu, niềm tin của người tiêu dùng là cơ sở để HTX phát triển.Giờ đây, sau bao năm tâm huyết, nỗ lực, HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, cá nhân anh Lê Vạn Hải và HTX đã nhận được nhiều Giấy khen, bằng khen, cờ thi đua của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Liên minh HTX tỉnh, UBND huyện Can Lộc và đặc biệt năm 2020 anh Lê Vạn Hải đã được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những cống hiến của mình cho sự phát triển nông nghiệp và phong trào xây dựng Nông thôn mới của Hà Tĩnh./.
Theo Hữu Ngọc/khuyennonghatinh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;