Thu nhập cao từ một nghề không mới
Trang trại mật ong Phước Hỷ của gia đình chị Đoàn Thị Thúy (sinh năm 1992), ở thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Chị Thúy cũng là một trong những hội viên năng động của Hội ND xã Nghĩa Hưng.
Từng học quản trị kinh doanh, nhưng sau khi lập gia đình, chị Thúy lại bén duyên với nghề nuôi ong mật. Chị cho biết, trước đó gia đình chồng đã từng nuôi ong, nhưng do nuôi theo kiểu truyền thống nên quy mô nhỏ lẻ, sản lượng ít. Với việc áp dụng kỹ thuật mới trong nuôi ong, sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chị Thúy đã đưa nghề nuôi ong của gia đình phát triển.
Trang trại nuôi ong Phước Hỷ của gia đình chị Thúy còn tạo công ăn việc làm cho 3 hộ gia đình tại địa phương. Chị Thúy cũng tham gia Tổ liên kết nuôi ong mật tại xã Nghĩa Hưng để hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật, vật tư và thị trường tiêu thụ.
"Hiện gia đình tôi có khoảng 650 đàn ong, mỗi năm thu về hơn 15 tấn mật ong, 1,5 tấn phấn hoa và nhiều mặt hàng, sản phẩm khác từ ong mật" - chị Thúy cho biết. Mỗi lít mật ong được gia đình chị bán ra thị trường với giá 160.000 đồng, phấn hoa 175.000 đồng/kg...
Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ ong mật rộng khắp trong cả nước. Sản phẩm mật ong, phấn hoa của gia đình chị đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Nhờ vậy nghề nuôi ong đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho gia đình chị Thúy.
Chú trọng quảng bá sản phẩm
Để giữ ong trú ngụ, gia đình chị Thúy dùng gỗ đóng thành nhiều thùng hình chữ nhật, đặt cách mặt đất khoảng 40cm, mỗi thùng có 6 - 7 kèo ong. Tùy vào nguồn thức ăn và mùa hoa, nhanh nhất khoảng 15 ngày, công nhân sẽ tiến hành quay mật sau đó đóng chai đưa ra thị trường.
Chị Thúy cho biết: "Vì số lượng đàn ong khá lớn, nên chồng mình thường phải đi các tỉnh xa để lấy mật, có khi mấy tháng không về. Có lần anh ấy phải vào ở lại sâu trong rừng, thiếu nước sinh hoạt, ăn uống cũng thiếu thốn, đường đi lại thì khó khăn, cách xa khu dân cư. Mình thì lo khâu bán hàng".
Sau mỗi lần vận chuyển đi các tỉnh xa lấy mật, đàn ong sẽ yếu đi, nhiều con chết, ong chúa cũng mất khả năng sinh sản. Vì vậy sau hơn 1 năm lấy mật, đàn ong sẽ được đưa về chăm sóc, tái tạo lại đàn. Đặc biệt, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh các loại côn trùng khác bám vào thành tổ ong làm hạn chế sự phát triển của đàn ong. Cũng theo chị Thúy, thức ăn của ong chủ yếu là phấn hoa tự nhiên, muốn đạt sản lượng cao cần đặt thùng ong ở những nơi có nguồn hoa dồi dào.
"Trong tương lai, gia đình tôi sẽ tăng thêm số lượng đàn ong. Đồng thời xin phép chính quyền đặt các thùng nuôi ong tại một số điểm du lịch nhằm kích cầu du lịch địa phương, vừa quảng bá sản phẩm, giúp người dân tiếp cận với công nghệ nuôi ong theo hướng hiện đại" - chị Thúy cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Dư - Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa Hưng nhận xét: "Trang trại nuôi ong Phước Hỷ là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có được kết quả đó là nhờ gia đình chị Thúy đã tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là quảng bá, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm".
https://trangtraiviet.vn/nu-9x-thanh-ty-phu-nho-nuoi-ong-mat-20200824190404067.htm
Theo Thùy Dương/trangtraiviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;