Học tập đạo đức HCM

Kinh tế tập thể thúc đẩy nông thôn phát triển ở Điện Biên

Thứ tư - 15/06/2022 10:16
Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) ở Điên Biên đã có bước phát triển đáng kể, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tủa Chùa chú trọng phát triển kinh tế tập thể

Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Tủa Chùa đã thực hiện những giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả góp phần giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

tua-chua.jpg
 

Xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng thu hoạch cá rô phi đơn tính.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong giai đoạn vừa qua huyện thực hiện khuyến khích thành lập mới các HTX theo Luật HTX năm 2012. Đồng thời, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án. Trong đó khuyến khích các HTX liên kết với người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản là tiềm năng, lợi thế của địa phương.

UBND huyện Tủa Chùa chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền và tư vấn thành lập các HTX mới; hỗ trợ HTX tiến hành chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, trong đó chú trọng ở các địa bàn điểm xây dựng nông thôn mới như: Mường Báng, Mường Đun và Tủa Thàng. Đồng thời triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ như: Chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX; chính sách về đất đai; thuế, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ mới...

HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng, thị trấn Tủa Chùa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn. HTX được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2019 với 19 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Hiện tại, quy mô sản xuất của HTX có tổng diện tích trồng rau an toàn 5.000m2 và 700m2 ao cá. Bình quân mỗi ngày HTX tiêu thụ 50 - 70kg rau cho các bếp ăn tập thể.

Bà Phạm Thị Út Mai, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: Trước đây các thành viên HTX hoạt động dưới hình thức tổ hợp tác. Năm 2019, tổ hợp tác được các phòng chuyên môn của UBND huyện Tủa Chùa, Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hỗ trợ để chuyển đổi sang mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Trong quá trình hoạt động, HTX được hỗ trợ chủ yếu về quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn và kết nối, giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị trường học để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn có các chính sách khác như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; đất đai; phát triển hạ tầng...

Toàn huyện Tủa Chùa hiện có 4 chi nhánh doanh nghiệp Nhà nước, 34 doanh nghiệp tư nhân, 11 HTX, 945 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Trong năm 2021 có 3 HTX thành lập mới và 51 hộ kinh doanh đăng ký mới. Đến nay, có 3 HTX và 945 hộ kinh doanh cá thể hoạt động có hiệu quả. Các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo quy định ngày càng tăng quy mô, mở rộng sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống xã viên. Một số mô hình tổ hợp tác tổ chức sản xuất tốt, thực hiện liên kết với các HTX và doanh nghiệp trong sản xuất đã mang lại lợi ích cho người lao động, giảm được chi phí sản xuất, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Anh Thào A Làng, Phó Giám đốc HTX H’Mông, xã Trung Thu cho biết: Thành viên HTX được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Được đi tham quan, học hỏi các mô hình điển hình, hiệu quả để về áp dụng vào thực tế vào mô hình của HTX và vận động bà con dân bản học tập, làm theo.

Thời gian tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục phát triển KTTT với nhiều hình thức đa dạng. Tập trung đổi mới về tổ chức, quản lý và hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới; nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác điển hình tiên tiến; khuyến khích đầu tư nguồn lực, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời huy động, cân đối nguồn lực để hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô, tổ chức hoạt động hiệu quả hơn. Triển khai các mô hình HTX sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển

rau.jpg
 

Xã viên HTX Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé, huyện Điện Biên chăm sóc rau trong nhà lưới.

Điện Biên hiện có 190 HTX nông, lâm, thủy sản (HTX nông, lâm nghiệp 175 HTX; 15 HTX thủy sản), chiếm 69,5% tổng số HTX; trong đó có 153 HTX đang hoạt động (145 HTX nông, lâm nghiệp, 8 HTX thủy sản). Hoạt động của HTX nông nghiệp có nhiều đổi mới, ngày càng có hiệu quả, HTX cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để phát triển theo chiều sâu.

HTX đã thúc đẩy quá trình chuyên môn hóa, hiện đại hóa và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như trồng rau sạch, cây ăn quả, chăn nuôi... gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển kinh tế và dần xóa bỏ cung cách làm ăn riêng lẻ, tự cung, tự cấp; HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn thành viên và nông dân với mức thu nhập bình quân 39,29 triệu đồng/năm. HTX cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thu nhập cho người dân (thành viên HTX), cung cấp các mặt hàng có tính thiết yếu cho phần lớn các thành viên (các mặt hàng có nhu cầu thường xuyên và tương đối ổn định như giống, phân bón, thuốc BVTV...).

Hiện, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh, đó là: Gạo, dứa, rau củ quả, miến dong, cá tầm, gia súc, gia cầm. Trong đó, điển hình là HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông sản sạch Điện Biên, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh ở huyện Điện Biên với chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo; rau, củ, quả.

Để phát huy vai trò của KTTT, HTX, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT, hợp tác xã; các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đặc biệt các chủ trương, chính sách của tỉnh về phát triển HTX mắc ca đến các HTX, tổ hợp tác, cán bộ và nhân dân dưới nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng; các trang mạng như Zalo, Facebook; Cổng thông tin điện tử của Liên minh HTX tỉnh...

Liên minh HTX tỉnh tổ chức tuyên truyền về Luật HTX 2012, các văn bản chính sách về phát triển KTTT, HTX; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và vai trò của HTX trong việc kết nối cung cầu gắn với nhiệm vụ xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Ngoài ra, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 4 lớp tuyên truyền về Luật HTX 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, giới thiệu về mô hình HTX kiểu mới, Nghị định 77/NĐ-CP về tổ hợp tác cho cán bộ chi hội nông dân, chi hội nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các HTX, tổ hợp tác và nhân dân trên địa bàn đã nắm rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về KTTT; nắm bắt được các thông tin, hoạt động trong hệ thống Liên minh HTX; tham khảo, học tập kinh nghiệm những mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, những gương người tốt, việc tốt.

Phát triển nhiều mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị

Liên minh HTX tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị đến các HTX, THT và nhân dân dưới nhiều hình thức. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thành lập, hỗ trợ về vốn phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, chú trọng tư vấn, hỗ trợ thành lập mới các HTX, THT phát triển thành viên; thành lập HTX gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tạo điều kiện giúp các HTX, THT chủ động vươn lên, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém. Về hỗ trợ vốn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng và thẩm định 2 dự án của 2 HTX vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh với tổng số vốn vay là 550 triệu đồng để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

3.jpg
 

Người lao động HTX Thủ công mỹ nghệ Anh Minh chế tác sản phẩm.

Đến nay, toàn tỉnh có 273 HTX (tăng 1,8% so với cuối năm 2021) với 10.457 thành viên, tổng số vốn điều lệ gần 759 tỷ đồng. Trong đó, có 190 HTX nông, lâm, thủy sản; 37 HTX công - thương; 40 HTX xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng và 6 HTX vận tải. Số HTX đang hoạt động là 204 HTX, với tổng số vốn điều lệ gần 663 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay có 15 HTX thành lập mới (đạt 68% mục tiêu kế hoạch năm 2022). Toàn tỉnh có 480 THT (tăng 2,1 % so với năm 2021) với tổng số 4.088 thành viên tham gia. Trong 6 tháng đầu năm 2022 thành lập mới được 10 THT.

Các HTX, THT, đặc biệt là HTX nông, lâm, thủy sản đã đóng vai trò tích cực trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm đầu mối trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.

Điển hình là HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông sản sạch Điện Biên, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh với chuỗi giá trị sản phẩm lúa, gạo; rau, củ, quả. Trong tổng số 204 HTX đang hoạt động, 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu bình quân của 1 HTX ước đạt 863 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của 1 HTX ước đạt 84 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động thường xuyên ước đạt 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về thành lập các HTX mắc ca nhằm thúc đẩy phát triển cây mắc ca trên địa bàn.

Ông Bùi Văn Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ mắc ca Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) cho biết: HTX được thành lập cuối năm 2021 trên cơ sở tự nguyện của các thành viên. Việc thành lập HTX mắc ca phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca đảm bảo tiến độ đầu tư; xây dựng mô hình liên kết bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, trong đó ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân khi tham gia HTX.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên Phí Văn Dương: Để nâng cao hiệu quả kinh tế HTX theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, với trách nhiệm được giao là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX; thường xuyên phân công cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, vận động và tư vấn thành lập HTX, tổ hợp tác mới. Trong đó chú trọng ở địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca. 

https://kinhtenongthon.vn/kinh-te-tap-the-thuc-day-nong-thon-phat-trien-o-dien-bien-post50586.html
Theo V.N (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại196,687
  • Tổng lượt truy cập92,574,351
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây