Kết quả nổi bật sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới
Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần tăng sự hài lòng với cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội thông qua tăng thu nhập và giảm nghèo nông thôn. Khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khác tại 12 tỉnh trên cả nước cho thấy tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống ở nông thôn tăng lên từ 50,4% năm 2012 lên 79,3% năm 2018. Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ hài lòng với cuộc sống nông thôn cao hơn và tăng mạnh hơn cùng với tăng trưởng mạnh về thu nhập. Đồng thời, nhóm xã đạt chuẩn nông thôn mới có tốc độ giảm nghèo nhanh hơn nhóm xã chưa đạt chuẩn.
Đồng thời, diện mạo nông thôn khởi sắc, hạ tầng nông thôn thay đổi rõ rệt, nhận thức về nông thôn mới được tăng cường. Sau giai đoạn đầu (2010-2015) còn chập chững khởi động, giai đoạn 2 của xây dựng nông thôn mới (2016 - 2019) đã tập trung xử lý nhiều hơn các vấn đề về hạ tầng và sinh kế của người dân nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quan trọng nhất là sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân. Khảo sát của IPSARD năm 2019 cho thấy 84,8% số hộ nông thôn hài lòng về các công trình hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm rõ rệt: số liệu điều tra cho thấy khoảng 80 - 90% số hộ nhận thức rõ về chủ trương, nguyên lý, nội dung xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đã giảm mạnh từ 48,2% xuống còn 38,1% trong giai đoạn 2010 - 2018. Khảo sát gần đây cho thấy Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn. Tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ đi thuê đất từ hộ khác là 37,7%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn tỷ lệ này chỉ là 25,3%. Tỷ lệ hộ sẵn sàng góp đất canh tác cùng hộ khác tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 47,6%; trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là 40,1%. Đã xuất hiện nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng nông thôn mới là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương.
Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng nông thôn mới như các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh mẽ hiệu quả ở Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang, Đồng Tháp; đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai ở Hà Nam, Bắc Giang; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre; Phát huy tốt truyền thống văn hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới với mô hình sáng tạo về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Tĩnh; Hà Giang, Hoà Bình những tỉnh có bài học rất sâu sắc về Quỹ phát triển cộng đồng. Xây dựng nông thôn mới gắn với tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, môi trường, xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp như Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Lào Cai… và rất nhiều các mô hình tiêu biểu ở khắp các tỉnh trong cả nước.
5 tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều kết quả nổi bật nhưng Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cụ thể:
Thứ nhất, phát triển nông thôn chưa gắn kết với đô thị, chênh lệch thu nhập giữa nông thôn thành thị ngày càng cao, sinh kế cư dân nông thôn thiếu bền vững. Ngay kể cả các xã, huyện ven đô cũng rất lúng túng khi xây dựng nông thôn mới do chưa rõ định hướng kết nối với phát triển đô thị. Khoảng cách tuyệt đối về thu nhập giữa nông thôn và đô thị ngày càng tăng lên từ 12,7 triệu/người/năm 2010 lên 31,6 triệu đồng/người/năm 2018. Thu nhập của cư dân nông thôn có xu hướng ngày càng phụ thuộc vào nguồn tiền của con cái/người thân từ đô thị gửi về. Khoảng 50% khác biệt về thu nhập giữa xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã chưa đạt chuẩn chủ yếu là nhờ nguồn tiền từ các lao động di cư hoặc người thân gửi về. Tỷ lệ hộ nông thôn nhận hỗ trợ từ con cái tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới là 30,1%, trong khi tại các xã chưa đạt chuẩn chỉ là 25,2%. Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cao gấp 4 lần đô thị.
Thứ hai, quá trình xây dựng nông thôn mới chưa gắn chặt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, ưu tiên cho phát triển hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới nhưng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nhiều nơi còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp thấp, chỉ khoảng 3 tỷ USD/năm, trong đó 50% là ngân sách nhà nước, chỉ có 16,7% là của doanh nghiệp. Liên kết yếu giữa người sản xuất và doanh nghiệp yếu. Cụ thể, trong mô hình cánh đồng lớn, tỷ lệ diện tích được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất chỉ ở mức dưới 30% và tỷ lệ này thấp nhất ở những vùng sản xuất nông nghiệp chính như Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hình thành và tái cơ cấu hợp tác xã chưa đủ mạnh, nhiều hợp tác xã thành lập trước đây qua việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới đều chưa được tổ chức và triển khai theo Luật Hợp tác xã, chưa thực hiện được bản chất của hợp tác xã, như mới tham gia theo hình thức "đánh trống ghi tên", chưa tổ chức đúng bản chất của hợp tác xã, các Giám đốc hợp tác xã chưa biết mình là ai, từ đó lúng túng trong cách quản trị, sản xuất và kinh doanh.
Thứ ba, vai trò chủ thể của nông dân chưa được đề cao, trong khi những lực lượng mới cho phát triển nông thôn chưa được phát huy đúng tiềm năng. Điều tra năm 2019 của IPSARD cho thấy chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án nông thôn mới của địa phương; chỉ có 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án nông thôn mới … Có những trường hợp người địa phương được phỏng vấn không biết rằng xã mình đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp. Trong khi đó, sự phát triển của kinh tế gia trại, trang trại còn hạn chế, số lượng ít (chỉ chiếm 0,4% số hộ nông nghiệp), quy mô nhỏ (chỉ tương đương ở mức kinh tế hộ ở các nước khác) do những cản trở trong chính sách đất đai. Doanh nghiệp chưa được phát huy hết tiềm năng trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn những e ngại của các cấp quản lý đối với xung đột quyền lợi giữa nông dân với doanh nghiệp nên chưa có chủ trương và hành động quyết liệt để tạo dựng và phát huy đầy đủ xung lực của những lực lượng mới cho phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, một số giá trị văn hóa truyền thống bị phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn. Khảo sát của IPSARD phối hợp với một số tổ chức nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hộ nông thôn có bất hòa hoặc xung đột trong gia đình hoặc với hộ khác tăng lên từ 0,4% năm 2010 đến 1% năm 2018; trong đó tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới ở mức 1,9% năm 2018 so với xã chưa đạt nông thôn mới ở mức 0,2%. Tệ nạn xã hội, trật tự an toàn xã hội một số nơi gia tăng, một số vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặc dù cư dân nông thôn vẫn còn niềm tin cao vào cộng đồng, hàng xóm (ở mức trên 80% số người được hỏi) nhưng họ ngày càng lo ngại về sự gia tăng của các tệ nạn xã hội ở nông thôn (ở mức 70% số người được hỏi). Tệ nạn ma túy, tín dụng đen ngày càng trở thành vấn đề nổi cộm trong nông thôn. Đã và đang phát sinh nhiều vấn đề bức xúc, khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp liên quan tới thu hồi đất đai và ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn mà không được xử lý triệt để, có nguy cơ đe dọa sự ổn định về chính trị trên địa bàn.
Thứ năm, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng; ứng phó rủi ro, biến đổi khí hậu còn hạn chế. Đô thị hóa, công nghiệp hóa gắn với việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thiếu đồng bộ, thiếu tổng thể đã góp phần phá vỡ các cảnh quan tự nhiên, các cảnh quan bản địa/truyền thống; làm suy giảm các chức năng sinh thái của vùng nông thôn; gia tăng ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nước thải công nghiệp tại chỗ ở các vùng nông thôn. Tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp và nông thôn đã và đang ngày càng gia tăng và rõ rệt hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Nhiều xã vừa được công nhận là xã nông thôn mới nhưng chỉ sau một trận lũ, cơn bão đã phá hủy, thậm chí xóa sổ nhiều công trình.
Đề xuất định hướng phát triển trong thời gian tới
Kinh nghiệm phát triển nông thôn của các nước mà tiêu biểu là Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy nông nghiệp, nông thôn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với quá trình chuyển đổi cấu trúc nói chung theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới là đòi hỏi mang tính tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước và cần tính tới các giải pháp và mô hình đa dạng để xử lý các vấn đề của phát triển nông thôn của mỗi địa bàn, trong từng thời điểm khác nhau.
Dựa trên những phân tích nêu trên, Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới xin đề xuất một số nội dung chính cho xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới như sau:
Về quan điểm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục đóng vai trò chiến lược và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là quá trình liên tục, lâu dài, phải có lộ trình thích hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực, tránh bệnh thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí.
Về mục tiêu, phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới vai trò chủ thể thực sự của nông dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực và cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước; cư dân nông thôn có thu nhập ổn định và điều kiện sống văn minh, có cơ hội phát triển. Ngành nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế, có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững theo hướng hiện đại. Nông thôn phát triển gắn bó hài hòa với đô thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phồn thịnh, trở thành nơi đáng sống, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiệm cận với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, quan hệ cộng đồng được xây dựng phù hợp trên nền tảng các giá trị văn hóa đặc sắc.
Về cách tiếp cận, thực hiện xây dựng nông thôn mới toàn diện, bao trùm về nội dung, không gian và huy động nguồn lực. Xây dựng nông thôn mới bao trùm các nội dung về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh quốc phòng trên tất cả các vùng nông thôn và huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và các tác nhân nông thôn. Phát huy hiệu quả sự tham gia của hệ thống chính trị, nâng cao vai trò của các tác nhân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt vai trò của cộng đồng và cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cấp xã.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 để đảm bảo các xã còn lại theo kịp sự phát triển của khu vực nông thôn của cả nước. Tạo cơ chế để các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới chủ động huy động các nguồn lực, tiếp tục duy trì và củng cố nâng cao chất lượng xã nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới triển khai ở cả 3 cấp xã, huyện, tỉnh và theo các mô hình nông thôn mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa xã hội của địa bàn. Khai thác, phát huy các nguồn lực của khu vực nông thôn, đặc biệt nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn lực văn hóa, nguồn lực môi trường sinh thái trong phát triển kinh tế xã hội, liên kết nông thôn - đô thị.
9 giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới
Một là, xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân: Lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu; cư dân nông thôn làm chủ thể; cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá.
Hai là, phát triển kinh tế nông thôn gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng: Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ba là, phát triển nông thôn phải triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững và tăng cường liên kết nông thôn - đô thị: Tại các khu vực ven các đô thị lớn, các vùng đồng bằng đông dân cần nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới văn minh, xanh, sạch, đẹp, từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ của các đô thị. Gắn chặt xây dựng nông thôn mới với đẩy nhanh đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị nhỏ ở địa bàn nông thôn, tiếp nhận dần các chức năng kinh tế của các đô thị lớn. Tại các vùng nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng kinh tế nông nghiệp,… cần định hướng phát triển nông thôn mới theo tiêu chí đa dạng, phù hợp với điều kiện, tập quán, lợi thế từng vùng, miền. Quy hoạch và xây dựng các trục chính cơ sở hạ tầng đảm bảo kết nối kinh tế xã hội, liên kết vùng nhất là về thủy lợi, giao thông, viễn thông đảm bảo liên kết ở mọi vùng sinh thái.
Bốn là, tạo điều kiện để tăng trưởng toàn diện, tăng thu nhập, giải quyết tốt hơn vấn đề an ninh dinh dưỡng và an ninh lương thực đối với nhóm nghèo và cận nghèo, đặc biệt tại các vùng khó khăn. Tạo đột phá trong phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn để phát huy lợi thế của nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, bền vững cho cư dân nông thôn. Hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống.
Năm là, nâng cao năng lực sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ và khởi nghiệp ở nông thôn. Đẩy mạnh việc chuyên nghiệp hóa và doanh nhân hóa nông dân, gắn với thu hút đầu tư doanh nghiệp và khởi nghiệp nông thôn để tạo lập và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức.
Sáu là, biến văn hóa thành động lực mới cho xây dựng nông thôn mới: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của gia đình, cộng đồng nông thôn, giữ gìn kiến trúc cảnh quan nông thôn, xây dựng cảnh quan nông thôn trên cơ sở nền tảng phát huy mối quan hệ làng xã. Đa dạng hóa các thiết chế văn hóa ở nông thôn, bảo đảm lựa chọn và sử dụng hiệu quả nhất các thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa mới.
Bảy là, xây dựng nông thôn mới cần gắn chặt với việc tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn: Phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa phải không làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, đến môi trường sinh sống và kinh tế xã hội của cư dân nông thôn. Phát triển nền kinh tế nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, có khả năng tái tạo và phục hồi về tài nguyên, có năng lực đối phó chủ động và thích nghi hợp lý với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro về thiên tai, dịch hại.
Tám là, nâng cao chất lượng quy hoạch cảnh nông thôn theo hướng xanh - sạch và bền vững: Lấy quy hoạch cảnh quan nông thôn làm nền tảng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng cảnh quan nông thôn mới vừa mang tính sinh thái, vừa đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.
Chín là, đổi mới về cơ chế huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới: Tập trung nguồn lực để đầu tư của Nhà nước cho các xã khó khăn, các xã chưa được công nhận đạt chuẩn, kết hợp với sức dân và cộng đồng. Cần đổi mới cơ chế huy động nguồn lực để phát huy lợi thế của các vùng sâu, vùng xa bù đắp cho các khó khăn, hạn chế đặc thù. Phát huy vai trò của nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng đối với các xã đã đạt chuẩn./.
Theo Anh Cao/moha.gov.vm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã