Những mô hình hiệu quả
Hết năm 2019, tổng đàn gia cầm của tỉnh Quảng Ninh là 3.680 nghìn con, tập trung nhiều tại thị xã Đông Triều, huyện Quảng Yên, huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên...; kế hoạch phát triển đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng đàn khoảng 4.244 nghìn con.
Trên cơ sở định hướng phát triển gà Tiên Yên là sản phẩm chủ lực của tỉnh, với chất lượng thịt thơm ngon nên đã có nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Tỉnh đang triển khai thực hiện dự án: Xây dựng mô hình gà Tiên Yên thương phẩm theo quy trình VietGAP trên địa bàn tỉnh, gồm 20 hộ chăn nuôi với quy mô 1.000 con/hộ tại các xã thuộc địa bàn huyện Tiên Yên.
Từ năm 2006, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group) nhập hàu Thái Bình Dương (hầu biển) từ Đài Loan về nuôi và thử nghiệm sản xuất giống ở xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Giống hàu này đã phù hợp với môi trường ở đây, chúng đang được chính quyền và nhân dân địa phương tích cực nhân rộng.
Hàu là loài sống bám cố định 1 chỗ trong suốt vòng đời của mình thường được nuôi bằng bè tre hoặc bè dây. Bè tre được làm từ những cây tre (cây luồng) dài khoảng 8 m; thiết kế bè bằng cách dùng 6 cây chia thành 3 hàng để giữ phao ở bên dưới; bên trên có các cây tre cách nhau khoảng 50 cm/cây để treo hầu. Một bè như vậy treo được khoảng 500-600 dây.
Bè dây: Lấy ý tưởng từ bè nuôi trai cấy ngọc, người dân đã làm bè dây nuôi hầu, mỗi bè gồm khoảng 30-40 dây treo; dây treo (phần nổi trên mặt nước) dài khoảng 200m; các dây treo cách nhau khoảng 5m; các phao nổi được buộc sát vào dây treo; một dây như vậy có thể treo được 600-700 dây nuôi hầu. Bè dây có ưu điểm là rất thuận lợi cho khâu thu hoạch sản phẩm, tuy nhiên nhược điểm của bè này là người dân thường sử dụng phao xốp để giữ nổi. Phao xốp không bền dưới tác động của ánh nắng mặt trời nên sau một vài vụ nuôi chúng bị mục, vỡ vụn, trôi dạt trên mạt nước gây mất mỹ quan vùng vịnh.
Đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao KHKT
Thực hiện các nội dung của dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ, cá Chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm” thuộc Chương trình Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Hồng Mỹ, cá Chẽm tại xã Hải Lạng (Tiên Yên) vào ngày 21/05/2020 và tại xã Cộng Hòa (TP. Cẩm Phả) vào ngày 22/05/2020. Lớp tập huấn có sự tham gia của 30 học viên/lớp là các hộ nông dân đang nuôi trồng thủy sản tại xã Hải Lạng và xã Cộng Hòa.
Trong các buổi tập huấn, bênh cạnh việc trao đổi về tiềm năng, nhu cầu sử dụng các diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả do suy thoái môi trường, dịch bệnh do nuôi tôm với mục tiêu cơ cấu lại theo hướng đa dạng đối tượng nuôi, giảm sức tải môi trường, hình thành các vùng nuôi cá, tạo dòng hàng hóa cho tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu,... Các giảng viên còn chú trọng việc phổ biến các đặc điểm sinh học cũng như kỹ thuật về chuẩn bị ao nuôi, mùa vụ thả giống, chăm sóc, quản lý, phòng và trị bệnh cho ao nuôi thâm canh cá Hồng Mỹ, cá Chẽm. Với phương pháp tập huấn có sự tham gia của cộng đồng, các học viên không chỉ được tiếp cận với các kiến thức lý thuyết mà còn dành nhiều thời gian thảo luận sôi nổi về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến ao nuôi khi thả cá Chẽm, Hồng Mỹ trong vùng diện tích có bố trí các ao nuôi tôm, cua,...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh theo hướng: Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trên các lĩnh vực nuôi trồng và khai thác, bảo quản nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng mô hình quản lý, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm; bổ sung các đối tượng nuôi phù hợp với các điều kiện khác nhau nhằm đa dạng đối tượng nuôi và sinh kế cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông đã tham mưu, đề xuất để thực hiện dự án Dự án tạo dựng bãi Rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, giai đoạn 2018 – 2019. Dự án đã có những kết quả ban đầu khả quan, là tiền đề vững chắc cho việc đề xuất giai đoạn 2 nhằm làm giàu nguồn lợi thủy sản tại khu vực đa được quy hoạch là vùng bảo tồn biển theo Quyết định số 1614/QĐ-UBND ngày 19/5 của UBND tỉnh Quang Ninh.
Người dân chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi
Xã Liên Hòa (TX. Quảng Yên) hiện có 30.000 con gia cầm, thủy cầm; 200 con trâu bò, 1.000 con chó... Thời gian qua, cùng với thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động chống nóng bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng nuôi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi.
Bà Đặng Thị Ruyện, cán bộ thú y xã Liên Hòa cho biết: “Nhằm tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng, chính quyền địa phương khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, nếu phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh phải cho cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp và bệnh truyền nhiễm thương xảy trong mùa hè, đồng thời tiêm phòng vắc-xin đầy đủ nhằm bảo đảm an toàn cho vật nuôi”.
Gia đình chị Lê Thị Nga thôn 1 xã Liên Hòa hiện nuôi 20 con bò sinh sản và thương phẩm. Chị Nga cho biết: “Đặc tính sinh lý của trâu, bò là chịu nhiệt kém, do vậy khi thời tiết nắng nóng thường bỏ ăn, sức khỏe giảm, dễ phát sinh bệnh. Để bảo đảm sức khỏe của đàn bò của gia đình, những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, gia đình tăng cường thức ăn như rau xanh, cỏ tươi, giảm tinh bột trong khẩu phần ăn, cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát trong ngày, luôn cung cấp đủ nước sạch, bổ sung thêm chất điện giải vào nước uống để nâng cao sức đề kháng cho đàn bò”.
Biểu dương hộ sản xuất kinh doanh giỏi
UBND huyện Ba Chẽ vừa tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua: Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 3 năm (2017-2020). Nhân dịp này, 10 hộ nông dân có thành tích xuất sắc đã được UBND huyện khen thưởng và 146 hộ được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhiều nơi đang tiến hành công tác tổng kết thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Những hội nghị này đã gián tiếp lan tỏa những các làm hay, cách sản xuất giỏi, là động lực lớn để mỗi người dân trong tỉnh tích cực hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh. Hy vọng, nhiệm kỳ tới, Quảng Ninh còn có nhiểu đột phá, nhiều thành tích đáng biểu dương hơn nữa trên tất cả các mặt trận.
Theo Đình Hợi(tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã